Trời lạnh, cảnh giác với cúm A, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ
Cúm A bùng phát ở nhiều địa phương. Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ biến chứng khi trẻ em và người già mắc cúm A.
Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám được chẩn đoán mắc cúm A.
Riêng khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận tới 42 trường hợp người bệnh nhiễm cúm A điều trị nội trú (trong đó đủ các lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, người trưởng thành và người già cao tuổi). Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tiến triển nặng, có biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng ở phổi, viêm cơ.
Người bệnh mắc cúm A được điều trị và chăm sóc tại Khoa Bệnh nhiệt đới
Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh cúm A lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với virus qua những giọt bắn trong cơn ho, hắt hơi, chảy nước mũi. Đặc biệt là khi tiếp xúc gần và không mang khẩu trang phòng hộ.
Biểu hiện và những biến chứng của bệnh cúm A
Theo bác sĩ Phương, người bệnh nhiễm cúm A có các biểu hiện chính như:
- Sốt cao đột ngột có thể ớn lạnh, rét run
- Triệu chứng đau nhức: đau nhức đầu, đau bắp cơ.
- Hội chứng hô hấp: ho, hắt hơi, chảy mũi,đau họng, khạc đờm, mắt đỏ chảy nước mắt, khám có rales ở phổi.
Bác sĩ Phương cho biết, hầu hết các ca cúm A chỉ điều trị triệu chứng và khỏi sau 3-7 ngày, tuy nhiên cũng có nhiều ca biến chứng nặng.
"Khi người bệnh bị biến chứng có thể xuất hiện các dấu hiệu: khó thở, tím tái, ho ra máu, hoặc biểu hiện của hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), co giật, rối loạn ý thức, sốc, tụt huyết áp, suy đa tạng…
Biến chứng của cúm A hay xảy ra hơn ở những đối tượng có nguy cơ cao như: trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh lý mạn tính về tim, phổi, thận, đái đường, cơ địa suy giảm miễn dịch…
Các biến chứng có thể gặp gồm: viêm phổi tiên phát do virus, viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ, hội chứng Reye, viêm xoang…", bác sĩ Phương chia sẻ.
Số người bệnh nhập viện tại khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tăng cao. Ảnh BVCC
Theo bác sĩ Phương, trong điều trị bệnh cúm A phải tiến hành phát hiện sớm các trường hợp bệnh, cách ly để tránh lây lan.
Điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng, có thể điều trị đặc hiệu bằng Oseltamivir đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao để hạn chế biến chứng và rút ngắn thời gian điều trị.
Phòng bệnh cúm A như thế nào?
Bác sĩ Phương cho biết, để phòng tránh lây nhiễm, cần phát hiện sớm và quản lý các trường hợp nghi nhiễm cúm A để tránh lây lan, mang khẩu trang, tránh tụ họp đông đúc trong thời kì có dịch bùng phát.
Ngoài ra, có thể tiến hành phòng ngừa bằng vaccine cúm ở các dạng khác nhau, nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, người trong viện dưỡng lão, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai kì thứ 2-3 trong mùa dịch cúm, suy giảm miễn dịch, nhân viên y tế làm viện trong môi trường tiếp xúc gần với người bệnh…
Hình ảnh viêm phổi thứ phát do nhiễm cúm A
"Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được sàng lọc, khám, tư vấn điều trị để hạn chế những biến chứng nặng xảy ra", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
TS Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng.
Hiện là thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Kkết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.