Trình độ ghép tạng Việt Nam ngang hàng thế giới
Với việc thành công của 2 ca ghép ruột vừa được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103, Việt Nam chính thức bước chân vào bảng xếp hạng số ít những nước có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây không chỉ là thành tựu duy nhất về ghép tạng của y học nước nhà.
Bệnh viện Quân y 103 vừa thực hiện thành công 2 ca ghép ruột.
Nói về 2 ca ghép ruột vừa được thực hiện thành công, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Thành công này thể hiện năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện 103 nói riêng và Ngành Y tế nói chung. Đồng thời cũng thể hiện trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà”.
Lý giải thêm, ông Long cho biết, ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng – ruột là tạng cuối cùng sau các tạng khác được thế giới ghép thành công bởi nguy cơ nhiễm trùng rất cao sau ghép do đường tiêu hoá là đường mở, tiếp nhận rất nhiều thức ăn trong đó có cả vi khuẩn. Cho đến nay, toàn thế giới chỉ thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột.
Trước thành công của 2 ca ghép ruột nói ở trên, không ít kỳ tích về ghép tạng cũng đã diễn ra ở nước ta.
Tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức lập kỷ lục ghép thành công 23 tạng gồm 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó 8 tạng từ người cho sống và 15 tạng từ người cho chết não) chỉ trong vòng 13 ngày.
Hay ca ghép cùng lúc 2 tạng lần đầu tiên tại Việt Nam được các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức thực hiện vào tháng 12/2019. Bệnh nhân được ghép cùng lúc gan và thận. Đây là một kỹ thuật rất khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận. Việc thay thế cùng lúc 2 tạng sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp (như lọc máu liên tục trong mổ) và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm phẫu thuật.
Một trường hợp khác cần nhắc tới là ca ghép tim xuyên Việt hy hữu với nguồn hiến từ người chết não tại Bệnh viện Việt Đức được vận chuyển khẩn cấp về Huế để cứu sống một bệnh nhân nghèo. GS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - người trực tiếp tham gia phẫu thuật chia sẻ, ghép tim là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ chuyên ngành miễn dịch ghép, ê kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức cũng như điều trị và theo dõi sau ghép. Khó khăn hơn với việc ghép tim xuyên Việt là thời gian vàng của quả tim khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến chỉ có thể bảo quản trong 6 giờ.
Còn tại Học viện Quân y, đây luôn là đơn vị đi đầu trong công tác ghép tạng tại nước ta. Từ năm 1992, Học viện Quân Y lần đầu tiên ghi danh vào bản đồ “ghép tạng của Thế giới” bằng thành công của ca ghép thận đầu tiên. Sau, đó năm 2004, Học viện Quân Y tiến hành thành công ca ghép gan đầu tiên. Năm 2010, thực hiện thành công ghép tim. Năm 2014, thành công ghép tụy thận. Năm 2017, ghép phổi thành công. Hiện tại, ruột là cơ quan tạng thứ 6 được Học viện Quân Y ghép thành công.
GS.Ts Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam khẳng định, hiện nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã theo kịp được trình độ ghép tạng của thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn để người nhà đồng ý cho tạng theo nguyện vọng của người đã khuất.
BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Khi thuyết phục người nhà bệnh nhân đồng ý cho tạng theo nguyện vọng của người đã chết, nhiều trường hợp chúng tôi gặp sự phản ứng rất gay gắt, thậm chí bị đánh. Bên cạnh đó, nhiều người lại không hiểu rõ về cách cho tạng như thế nào là đúng. Chẳng hạn, một bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng, nhưng khi bệnh nhân có tình trạng xấu đi, người nhà không đưa lên bệnh viện, chỉ đến khi bệnh nhân qua đời vài tiếng mới gọi điện thoại thông báo. Họ không biết được rằng trước khi lấy tạng, cần phải làm các xét nghiệm cần thiết để nắm rõ tình trạng các tạng và thời điểm lấy tạng phù hợp nhất là ngay sau khi tim bệnh nhân ngưng đập”.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, các bác sĩ mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân, xã hội biết nhiều hơn đến những trường hợp với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác.
Đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng. Từ ca ghép đầu tiên đến năm 2020, cả nước đã thực hiện khoảng 4.500 ca ghép tạng các loại. Phẫu thuật ghép tạng đã trở thành thường quy tại một số trung tâm ngoại khoa đầu ngành của Việt Nam, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại mà giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí trên thế giới.