Triệu chứng giúp phát hiện bệnh sởi sớm, phân biệt sởi với sốt phát ban
Theo các bác sĩ, cần phải nhận biết sớm triệu chứng của bệnh sởi do bệnh có thể nhầm lẫn với sốt phát ban thông thường.
Trẻ bị sởi điều trị tại BV Nhi TƯ (Ảnh: TTXVN)
Từ đầu năm đến nay, 43 tỉnh thành phố trên cả nước đã ghi nhận có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Tại Hà Nội hiện ghi nhận 192 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 20 ca. Tại TP.HCM, hiện bệnh sởi đã có mặt tại tất cả 24 quận huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7, huyện Bình Chánh... Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, từ ngày 1/1 đến ngày 10/2/2019, trên địa bàn thành phố có 987 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị.
Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.
Phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban
Theo các chuyên gia, bệnh sởi nếu như không có biến chứng có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần phải nhận biết sớm triệu chứng của bệnh, do bệnh có thể nhầm lẫn với sốt phát ban thông thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Tuy nhiên, phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Quá trình mọc ban đỏ cũng không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày.
Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ. Bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 - 40oC mệt mỏi kèm chảy nước mũi, ho, nổi phát ban.
Ngoài ra, sốt phát ban là do nhóm siêu vi khuẩn thông thường hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.
Trong khi đó, bệnh sởi có thể gây viêm phổi, viêm phế quản thậm chí dẫn đến tử vong (nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi), viêm tai giữa, xoang, răng lợi, tiêu chảy mất nước, suy dinh dưỡng; viêm loét giác mạc… Các biến chứng thường xuất hiện khi bệnh toàn phát hoặc đã lui.
90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng
Cách phòng bệnh sởi hiệu quả
PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, việc tiêm phòng sởi là vô cùng hữu ích, trẻ sẽ được bảo vệ sởi hoàn toàn và thế hệ sau cũng được truyền miễn dịch.
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vaccine sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95% Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Bên cạnh đó, khi trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc đông y hay thuốc có thành phần của corticord.
Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều… thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.
Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội.
Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng.