Triển khai chương trình mới: Lo thiếu trường lớp, giáo viên
Triển khai Chương trình mới đối với lớp 3, 7 và 10, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuẩn bị các điều kiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu trường lớp, thiếu giáo viên các môn mới.
Các địa phương đang vận dụng tối đa các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.
Thiếu giáo viên môn mới
Năm thứ 2 triển khai Chương trình GDPT 2018, mặc dù các địa phương nỗ lực thực hiện và đạt kết quả tích cực trong công tác dạy và học. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như nhiều điểm trường nhỏ lẻ, thiếu phòng học, trang thiết bị thực hành; thiếu giáo viên (đặc biệt ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ 2)...
Tại TP Cần Thơ, tình trạng thiếu, thừa cục bộ giáo viên các cấp học vẫn còn xảy ra ở một số trường. Tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở một số địa phương chưa đạt theo quy định. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%...
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, tuy đội ngũ giáo viên các cấp học đảm bảo quy định về số giáo viên trên lớp, nhưng một số nơi vẫn còn thiếu, trong khi một số nơi lại thừa. Điều này gây khó khăn trong việc phân công giảng dạy, nhất là thời điểm đầu mỗi năm học. Việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học còn nhiều khó khăn. Hiện cấp tiểu học vẫn còn thiếu 39 giáo viên Tin học và 36 giáo viên Tiếng Anh. Cấp THCS chưa có nguồn giáo viên Ngoại ngữ có trình độ đào tạo ngoài Tiếng Anh, nên việc tuyển dụng giáo viên, tổ chức dạy tự chọn Ngoại ngữ 2 gặp khó khăn. Cấp THPT chưa có giáo viên phụ trách dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2.
Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, khó khăn hiện nay của tỉnh là thiếu đội ngũ giáo viên. Cấp THPT chưa có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật theo Chương trình GDPT 2018; thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học và môn tích hợp cấp THCS. Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nên hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy trực tuyến chưa được đảm bảo yêu cầu…
Còn theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, tỉnh không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, mà còn thiếu giáo viên, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GD&ĐT để địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Điểm trường nhỏ lẻ, thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị thực hành, thiếu giáo viên là khó khăn chung của các địa phương.
Từng bước gỡ khó
Các địa phương kiến nghị Bộ GD&ÐT chỉ đạo trường đại học đào tạo giáo viên có trình độ phù hợp để tham gia giảng dạy môn học mới trong chương trình, cần có hướng dẫn về việc lựa chọn sách giáo khoa Chương trình GDPT mới đối với Âm nhạc, Mỹ thuật; linh hoạt trong việc tuyển dụng giáo viên...
Về phía địa phương, sở GD&ÐT sẽ tăng cường tham mưu với UBND tỉnh, thành có lộ trình, kế hoạch đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên từ nay đến năm 2024. UBND các tỉnh, thành vận dụng tối đa giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (thực hiện chuyển đổi môn học, giảng dạy liên trường, tuyển dụng giáo viên…); Củng cố dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cùng với dạy học trực tiếp; nâng cao chất lượng môn học Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học...
Đơn cử như tỉnh Long An, giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục đăng ký khởi công mới 5 dự án (từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn khác); sắp xếp đội ngũ giáo viên ở các cấp học đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ. Tỉnh Bạc Liêu có đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng để giảng dạy khối lớp 1, 2 và lớp 6; được tập huấn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới...
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh được tuyển dụng theo phân cấp đảm bảo việc dạy và học. Trong đó, ưu tiên tuyển giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học; rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để tập huấn, nâng cao trình độ. Sở GD&ĐT phối hợp các địa phương, các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện lộ trình phù hợp...
Tại TP Cần Thơ, giải pháp khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên được triển khai như điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; giảm dần số biên chế nhân viên làm các công việc gián tiếp. Các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở cấp tiểu học khẩn trương xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học Tiếng Anh và Tin học - môn bắt buộc trong Chương trình GDPT mới. UBND quận, huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT, các trường THCS tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn Âm nhạc và Mỹ thuật (có đủ trình độ) tại các trường THCS tham gia dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 10 tại các trường THPT…
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá đối với môn học tự chọn (Ngoại ngữ 2) trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời chỉ đạo các trường đại học đào tạo giáo viên có trình độ phù hợp để tham gia giảng dạy các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn vì thiếu giáo viên, nhất là ở môn Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học); môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp THPT. Nhiều vùng khó khăn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, chưa có phòng học bộ môn; thiết bị dạy học ở nhiều trường không đầy đủ, không đồng bộ. Một số nơi vẫn chưa bố trí kinh phí, chế độ; không có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia chọn sách giáo khoa… |