Trẻ bị co cơ mặt, giật ở mắt, nặng hơn là trầm cảm vì nghiện smartphone
Không chỉ dừng lại ở việc co cơ mặt, giật mắt, nhiều trẻ nghiện smartphone còn mắc bệnh trầm cảm nặng.
Smartphone là những "vũ khí" sát thương tâm hồn và thể xác trẻ em (Ảnh minh họa)
Bị co cơ mặt, giật mắt vì nghiện smartphone
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điện thoại thông minh giúp cuộc sống của con người thay đổi, tiến bộ như thế nào. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng smartphone cũng là những "vũ khí" sát thương tâm hồn con trẻ mà chính ông bà, bố mẹ là người đã tự tay đưa cho chúng.
Chị Phan Hồng Th. (Kiên Giang) chia sẻ, chị đã cho cậu con trai S.B. (4 tuổi) xem điện thoại và tivi nhiều năm qua mỗi khi con “quậy” để bé không làm phiền mình và mọi người.
Gần đây, cậu bé có những biểu hiện bất thường như nháy mắt liên tục, nhíu mũi thường xuyên, cơ mặt giật mỗi khi xem tivi hoặc điện thoại. “Lúc đầu mình cứ nghĩ con đùa dai nên mình la, thậm chí đánh con vì sợ con thành thói quen xấu khó bỏ. Nhưng càng là mắng thì những biểu hiện đó của bé càng tồi tệ hơn”. Đưa con đến bệnh viện kiểm tra, người mẹ trẻ đã ân hận khi bác sĩ cho biết bé bị Hội chứng TIC do thường xuyên bị căng thẳng từ việc xem điện thoại, tivi quá nhiều.
Điều đáng nói là con trai chị Th. không phải là nạn nhân duy nhất của Hội chứng TIC. Bé gái B.T.H. (10 tuổi) bị cận thị bẩm sinh, khoảng 3 tháng qua phụ huynh cũng ghi nhận những bất thường của bé như máy giật ở mắt, dù đã làm nhiều cách nhưng không hết giật. Đến bác sĩ khám mắt thì không ghi nhận bệnh lý liên quan, khi vào Bệnh viện Nhi Đồng kiểm tra, cha mẹ của bé mới hay con bị hội chứng TIC do “nghiện” điện thoại.
Theo Dân trí, chỉ tính riêng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 5 đến 7 ca liên quan tới Hội chứng TIC. Chưa có con số thống kê chi tiết, nhưng bác sĩ khẳng định trong những năm gần đây, hàng loạt trẻ mắc hội chứng này đã phải can thiệp chuyên môn.
Dùng smartphone nhiều đến trầm cảm
Không chỉ dừng lại ở việc co cơ mặt, giật mắt, nhiều trẻ nghiện smartphone còn mắc bệnh trầm cảm.
Trả lời báo Người đưa tin, TS.BS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ (bệnh viện Tâm thần Trung ương I) chia sẻ trường hợp của cháu Trần Thành Nam. Mặc dù mới 12 tuổi và đang là học sinh cấp 2 nhưng Nam đã được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh. Từ khi có điện thoại, Nam chỉ cắm mặt vào đó mà quên ăn, quên ngủ. Khi ông bà hoặc bố mẹ thu điện thoại, Nam bắt đầu có những biểu hiện khác thường, khó kiềm chế được cảm xúc.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi, điện thoại quá nhiều, tránh nguy cơ co cơ mặt, trầm cảm vì “nghiện” smartphone (ảnh minh họa)
“Lúc gia đình đưa cháu tới chỗ tôi khám, trên tay cháu vẫn cầm chiếc điện thoại để chơi. Bố cháu có nói: “Con đưa điện thoại cho bố để bác khám cho con” nhưng cháu không tự giác đưa. Khi bị lấy mất điện thoại, cháu phản ứng khá gay gắt, lao vào đấm đá bố rất thẳng tay”, TS.BS Phương nói.
Qua thăm khám và quan sát tình trạng bệnh Trần Thành Nam, BS.Tô Thanh Phương nhận thấy cháu có những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm và nghiện điện thoại thông minh. Cụ thể, Thành Nam thờ ơ với tất cả mọi thứ xung quanh, sống thu mình, không muốn giao tiếp với bất cứ ai…
Một trường hợp khác là cháu Nguyễn Gia Thanh (13 tuổi), Thanh thường xuyên vào mạng xã hội chơi và nói chuyện với bạn bè.
Vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều nên Thanh đã xuất hiện ảo giác và có phản ứng tiêu cực khi xem những lời bình luận chê bai cháu trên mạng xã hội. Thanh bị trầm cảm kèm ảo giác và cần phải được điều trị.
Để tránh nguy cơ mắc Hội chứng TIC, trầm cảm vì nghiện smartphone cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng không nên đưa trẻ vào những môi trường tạo sự căng thẳng như chơi game, xem phim trên điện thoại hoặc tivi quá nhiều.
Nếu trẻ cần sử dụng điện thoại để liên lạc nhắn tin trao đổi học tập với thầy cô thì chỉ cần một chiếc điện thoại có chức năng nghe, gọi, nhắn tin là đủ.
Trong trường hợp trẻ học tập cần dùng tới kết nối mạng thì cho trẻ sử dụng máy tính bàn cha mẹ có thể giám sát được trẻ.
Xem thêm không thể ngờ kẻ thủ ác lại ra tay với bé gái 4 tuổi như này