Trào lưu 'trang điểm như đang khóc' nổi như cồn trên TikTok nhưng bị bác sĩ cảnh báo về sự độc hại
Trào lưu 'trang điểm như khóc' với đôi má ửng hồng, mắt long lanh, ướt át và lớp nền phủ sương sương đang được giới trẻ yêu thích. Nhưng bác sĩ tâm lý cảnh báo trào lưu này có thể ảnh hưởng đến nhóm người cần chia sẻ, tâm sự.
"Crying makeup" (tạm dịch: trang điểm như đang khóc) là xu hướng trang điểm mới được Zoe Kim Kenealy, người sáng tạo nội dung với hơn 120 nghìn người theo dõi trên nền tảng TikTok khởi xướng và giới thiệu.
Video Zoe Kim Kenealy trực tiếp dạy các cô gái cách trang điểm cho vẻ ngoài ướt át, ủy mị, trông như sắp khóc nhanh chóng có hơn 1,1 triệu lượt xem và trở thành hiện tượng mạng.
Chia sẻ với The Guardian, Zoe Kim Kenealy cho biết cô được truyền cảm hứng từ kiểu trang điểm của các Ulzzang (hot girl nổi tiếng ở Hàn Quốc) và những video hướng dẫn make up trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok).
Theo đó, Zoe Kim Kenealy sẽ dùng chút son bóng cho đôi môi căng mọng, mềm mại, sau đó là một lớp bóng màu đỏ quanh mắt và cuối cùng là đường kẻ mắt long lanh khắp khuôn mặt để tỏa sáng.
Thành quả là một gương mặt lóng lánh long lanh rưng rưng trực khóc.
Cách trang điểm mới độc lạ này không ngờ lại được đông đảo dân mạng yêu thích, học làm theo và trở thành trào lưu mới.
'Tôi cảm thấy xinh đẹp ngay cả khi chuẩn bị khóc', 'Trông khuôn mặt như sắp khóc nhưng lại rất tươi tắn, tôi rất thích', 'Tôi không biết đó là mi mắt hay mũi đỏ' .... dân mạng tỏ ra thích thú với phong cách trang điểm mới mẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ phong cách trang điểm mới mẻ, thì cũng không ít ý kiến cho rằng xu hướng 'ướt át, khóc lóc' thực sự có vấn đề. Đặc biệt, hiện tượng trang điểm này còn bị bác sĩ tâm lý học cảnh báo về sự độc hại.
Bác sĩ tâm lý Noor Mubarak cho biết: "Vẻ ngoài trang điểm như đang buồn, khóc này không hề mới, đã có gần 10 năm. Tuy nhiên, xu hướng này có thể khiến nhiều người kỳ thị sức khỏe tâm thần hoặc cho rằng việc phụ nữ vật lộn với tâm trạng là phóng đại cảm xúc.
Chúng ta sử dụng tiếng khóc để kết nối với người khác. Nghiên cứu chỉ ra hành động khóc giúp người lớn tự xoa dịu bản thân trong bối cảnh xã hội, báo hiệu cho người khác rằng họ đang cần được hỗ trợ".
The Guardian đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu quá nhiều người giả tạo nỗi buồn bằng lối trang điểm, những giọt nước mắt giả. Xu hướng trang điểm này ảnh hưởng đến những người đang thực sự cần giúp đỡ trên mạng xã hội.
Sức khỏe tinh thần của Gen Z đang trở thành vấn đề được quan tâm. Các giai đoạn trầm cảm đối với nhóm nhân khẩu học này tăng gấp đôi từ năm 2008 đến 2019. Trong cuộc thăm dò ý kiến của sinh viên Harvard năm 2021, hơn nửa số người được hỏi cho biết họ đang cảm thấy "chán nản hoặc tuyệt vọng".
Bởi vậy, việc lan truyền xu hướng làm đẹp nhìn như đang khóc có thể để lại nhiều tác hại.