Tranh cãi bình giữ nhiệt Trung Quốc có độc hại không?
Đập bỏ bình giữ nhiệt Trung Quốc để xem có hại không sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) mới đây đã phân tích về nguy cơ độc hại của bình giữ nhiệt sản xuất từ Trung Quốc có thể gây ung thư đang khiến dư luận hoang mang.
Đập bình giữ nhiệt thử xem có độc không: Tăng khả năng gây độc hại.
Bình giữ nhiệt hầu hết được làm bằng inox và giữa 2 lớp inox này được nhồi bông amiang để cách nhiệt và giữ nhiệt tốt. Do đó, nếu amiang không bị phát tán ra ngoài môi trường thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ông Trần Hồng Côn trả lời báo Dân trí.
"Amiang chỉ gây nguy hiểm nếu phát tán ra ngoài trở thành các mảng gãy, vụn. Lúc này các sợi amiang có thể chui vào phế quản gây ra ung thư phổi và các bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe con người” - PGS.TS Trần Hồng Côn nhận xét.
Tuy nhiên, trước thông tin bình giữ nhiệt Trung Quốc gây ung thư, nhiều người dùng đã rất lo sợ sản phẩm mà mình đang sử dụng có thể cũng là sản phẩm kém chất lượng nên đã đập vỡ các bình này để kiểm chứng. Quá trình này còn nguy hại hơn là tiếp tục sử dụng chúng.
PGS.TS. Trần Hồng Côn nhận định, khả năng lớp inox kém chất lượng làm phai các thành phần kim loại ra nước hoa quả, dung dịch có tính axit là có thể xảy ra. Trong trường hợp đó, lớp inox sẽ bị rỉ sét, người dùng nên bỏ đi, không tiếp tục sử dụng.
Nếu inox được tạo ra từ những vật liệu tốt thì sẽ an toàn, gần như không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
“Nếu sử dụng bình kém chất lượng, được tạo ra từ inox mà trong thành phần có chứa nhiều kim loại, khi đựng các loại nước ép trái cây, nước sấu ngâm, nước mơ... tính axit trong món ăn này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox và gây ảnh hưởng không tốt” - PGS.TS. Trần Hồng Côn chia sẻ.
Trung Quốc thử nghiệm bình giữ nhiệt có chứa amiang, tăng khả năng gây ung thư.
TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân nhận định, việc kim loại nặng bị thoát ra khi sử dụng bình giữ nhiệt đựng nước trái cây vì cho là nước trái cây mang tính axit sẽ dễ làm kim loại thoát ra hơn, điều này nghe có vẻ thuyết phục nhưng không chính xác.
"Theo một nghiên cứu vào năm 2013, người ta khảo sát sự thoát ra các kim loại nặng từ các bộ phận trong bình nước cho chuột uống (trong đó có cái vòi nước bằng kim loại không gỉ). Kết quả nghiên cứu cho thấy là trong điều kiện nước axit (pH = 2) để trong 1 tuần thì lượng kim loại thoát ra từ vòi nước kim loại đó vào trong nước cũng rất thấp (trong mức an toàn) và không đủ để gây độc. Do vậy, đừng quá lo lắng bị nhiễm kim loại nặng khi sử dụng các bình này" - TS. Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ.
Dư luận xôn xao vì thông tin liên quan đến bình giữ nhiệt Trung Quốc gây ung thư xuất phát từ thông tin, lực lượng chức năng phát hiện các lô hàng giả mạo xuất xứ nước ngoài trong khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Trong số các mặt hàng tại kho có 8.000 chiếc cốc giữ nhiệt được dán nhãn xuất xứ trong nội khối ASEAN. Các sản phẩm này được một đối tượng nước ngoài nhập vào khu vực cửa khẩu rồi tổ chức in ấn logo giống với các thương hiệu nổi tiếng như Versace, Burberry, Starbucks. Thực chất các sản phẩm này đều được sản xuất từ Trung Quốc.
Lực lượng chức năng Lạng Sơn thu giữ hiện vật là các sản phẩm bình giữ nhiệt bị làm nhái.
Một thông tin khác được chia sẻ mạnh mẽ về kết quả thí nghiệm của Viện Nghiên cứu & Kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc phối hợp với các đơn vị cùng lĩnh vực tiến hành vào cuối tháng 2/2019. Kết quả thí nghiệm cho thấy, bình giữ nhiệt do Trung Quốc sản xuất có chứa sợi amiăng cực kì độc hại đối với con người.
Trong buổi thí nghiệm, các chuyên gia đã đựng nước tinh khiết và nước trái cây trong hai mẫu bình giữ nhiệt cùng loại. Sau một thời gian, hàm lượng kim loại nặng trong nước trái cây đã tăng đột biến và vượt quá giới hạn cho phép.
Phân tích mẫu nước tinh khiết thì không thấy có hiện tượng tương tự.
Đề cập tới kết quả này, TS. Trần Tuấn Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách y tế, người đã rất nhiều tiếng nói nhằm loại bỏ amiăng ra khỏi đời sống, sinh hoạt con người cho biết: “WHO đã chỉ ra rằng amiang gây ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng phổi và màng bụng) và bụi phổi amiăng (xơ hóa phổi).
Các bệnh liên quan đến amiăng có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiang để phòng ngừa phơi nhiễm”.
Việt Nam hiện là quốc gia sử dụng các dạng amiăng thuộc nhóm nhiều nhất thế giới, nguyên nhân là do người dân không thể nhận biết amiang tồn tại trong những vật liệu gì nên vẫn sử dụng và tiếp xúc mà không biết rằng mình đang tiếp xúc với nguồn bệnh gây ung thư. Bên cạnh đó, amiang được sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp, xây dựng... nên việc sử dụng amiang được một "nhóm lợi ích" ủng hộ khiến việc hướng tới cấm hoàn toàn amiang tại Việt Nam đang gặp nhiều rào cản.