Trăn về 'ngự' tại ngôi đền ở Nam Định, mặc khua chiêng gõ trống vẫn 'mắc võng nằm chầu'
Con trăn gấm to lớn xuất hiện giữa một đêm mưa gió sau đó nghiễm nhiên “ngự” tại đền Mẫu hơn 3 tháng mặc cho nhiều người trống chiêng khua gõ ầm ĩ.
“Cụ trăn” mắc võng nằm chầu” hơn 3 tháng tại đền
Di tích lịch sử đền Quốc Mẫu Ninh Cường nằm trên địa phận xã Trực Phú (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Đền được xây dựng từ năm 1972 của thế kỷ XVIII và là nơi thờ Thượng Đẳng Thần, Quốc Mẫu bà Hoàng Tứ Vị Thánh Nương. Hàng năm, đền đều tổ chức 3 lễ hội rất lớn thu hút du khách từ nhiều nơi đến tham quan.
Vài năm trở lại đâu, ngôi đền này bỗng trở nên rất nổi tiếng, không cứ gì ngày lễ hội, mà ngay cả những ngày bình thường, nhiều người cũng đến vãn cảnh và được một lần tận mắt chứng kiến “cụ trăn vàng”.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu vào tháng 4/2016 đến nay, con trăn tại đến Quốc Mẫu đã trải qua nhiều lần “ẩn”, “hiện” trước khi được nuôi dưỡng tại một khu vực riêng trong đền. Chính những câu chuyện đậm màu sắc liêu trai chí dị về con trăn lớn này khiến cho ngôi đền ngày một nổi tiếng hơn.
Một buổi chiều cuối năm, trong dịp đi công tác, có dịp ghé thăm đền Quốc Mẫu. Tiếp chúng tôi là ông Vũ Minh Phu (52 tuổi, thủ từ ngôi đền) lớp kế cận của thủ từ cũ là ông Vũ Hữu Rụ (73 tuổi).
Ông Phu bảo, bản thân chẳng hề tin vào chuyện tâm linh huyền bí gì nhưng lại được tận mắt chứng kiến sự xuất hiện và bây giờ là người trực tiếp chăm sóc con trăn nên ông cũng thay đổi cách nghĩ. Để tỏ lòng thành kính, ông Phu cũng như nhiều người dân khác ưu ái gọi trăn bằng “cụ”.
Ông Phu kể, “cụ trăn” xuất hiện lần đầu vào một đêm mưa gió tháng 4/2016. Cụ Rụ là người đầu tiên phát hiện sự xuất hiện của trăn. “Đầu và đuôi cụ quấn vào máng nước, to như bắp tay người, lưỡi thè đu đưa hết bên này sang bên khác”, ông Phu kể.
Sợ bị trăn tấn công, ông Rụ chết đứng người, không dám nhúc nhích. Dẫu vậy, trăn chỉ đu đưa đầu qua lại vài cái rồi lại nằm cuộn tròn trên máng nước. Trăn ở đó được hơn nửa tháng rồi lại bỗng nhiên biến mất. Người dân cố gắng tìm kiếm nhưng không có dấu vết gì để lại. “Việc “cụ” thoắt ẩn, thoắt hiện khiến cho nhiều người ngỡ ngàng, nhiều người còn nói rằng chắc “cụ” đã lên trời”, ông Phu kể.
Nửa tháng sau, khi nhiều người đã dần quên đi sự có mặt của trăn thì đột nhiên nó lại xuất hiện, nằm dài trên thanh xà gồ của gian nhà đối diện. Lần đó, mặc do dân làng đánh trống, khua chiêng, đốt khói hương nghi ngút nhưng trăn vẫn không phản ứng gì, chỉ lặng lẽ nằm đó. 7 ngày sau, người ta thấy trăn biến mất.
“Đến cuối tháng 1 âm lịch, trời mưa gió dầm dề mấy ngày đêm. Đến sáng ra, ông Rụ lại phát hiện “cụ” xuất hiện trong đền. “Cụ” xuất hiện trên xà ngang nhà cuộn tròn nằm ở vị trí chữ thần trên tấm bảng sơn son thiếp vàng. Lần xuất hiện này, “cụ” ở lại đền hơn 3 tháng ròng”, ông Phu kể.
Đầu tháng 2 âm lịch, chính ngày lễ hội tại đền, người thân, du khách thập phương đến cúng bái, cầu may nhiều không kể xiết. Đúng vào thời khắc buổi lễ đang diễn ra, con trăn thả mình từ trên mái nhà, rơi tự do xuống nền đất.
Lần đầu nhìn thấy có vật to lớn, kỳ quái, nhiều du khách sợ hãi la hét làm náo loạn không khi lễ hội. Tuy nhiên, trăn chỉ từ từ bò lên ngai, cuộn tròn mình trên ghế. “Cụ ngự ở đó đúng 4 ngày diễn ra lễ hội”, ông Phu nhớ lại”.
Điều đáng nói, cái sự lạ hôm đó lại có sự chứng kiến của rất nhiều quan chức, cán bộ địa phương. Ai nấy cũng đều mắt tròn, mắt dẹt không dám tin có sự như vậy trên đời.
Ông Phu nhớ lại: “Sau lần đó, “cụ” còn biến mất thêm 1 lần nữa vào đầu tháng 5 âm lịch. 2 tháng sau, “cụ” sa vào lưới của một người đánh cá. Biết là trăn ở đền Quốc Mẫu, anh này cung kính đưa “cụ” trở lại đền. Từ đó đến nay, “cụ” ở lại với người dân mà không biến mất thêm lần nào nữa”.
Mục sở thị “cụ trăn”
Thấy tôi tò mò muốn được tận mắt chứng kiến “cụ trăn”, ông Phu dẫn dẫn tôi ra khu vực mà ông gọi là nơi “ngự” của trăn. Theo lời vị thủ từ, sau khi con trăn này nhiều lần biến mất, người dân lo lắng nên đã góp tiền vào để xây riêng cho nó một chỗ để “ngự”.
Chỗ “ngự” của trăn có diện tích khoảng gần 20m2, bên trong sắp xếp nhiều chậu cây cảnh, tạo dáng non bộ giống với khung cảnh thiên nhiên thu nhỏ để “cho cụ cảm thấy thoải mái nhất mà ở lại”.
Ông Phu cho hay, qua tìm hiểu các chuyên gia, ông được biết “cụ trăn” thuộc loài trăn gấm, mắt có màu vàng, thân hình hoa văn rất đẹp đặc biệt là lúc trăn mới lột da.
Để chăm sóc tốt nhất cho trăn, những người có nhiệm vụ vẫn thường được cử đi học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia. “Trăn chỉ ăn chim bồ câu, và thời điểm ăn không cố định, thường là vài ba tháng mới ăn một lần.
Mỗi lần cho “cụ” ăn, chúng tôi mua chim câu sống sau đó thả vào khu vực ở, “cụ” sẽ tự tìm bắt để ăn”, ông Phu chia sẻ.
Cũng theo vị thủ từ đền Quốc Mẫu, những con vật khác như gà, vịt, ếch, trứng trăn đều ngó lơ mà chỉ ăn duy nhất chim bồ câu. Thời điểm đo đạc gần nhất, trăn có cân nặng 9,8kg và dài 180cm.
Được sự cho phép của vị thủ từ, tôi đã vào nơi “ngự” của cụ trăn. Khá may mắn khi trước đó không lâu, trăn vừa hoàn thành xong việc lột da nên có màu sắc khá đẹp.
Con trăn nằm cuộn người dưới gốc một cây xanh đặt ở sát góc khung sắt, lớp da mới nhìn vẫn còn khá ẩm ướt. Trăn thò hẳn đầu ra ngoài mà không có dấu hiệu sợ sệt gì. Trông "cụ" trăn hiền lành và rất thân thiện với con người.
Trưởng ban quản lý di tích đền Mẫu Ninh Cường cho hay: “Việc có một số thông tin cho rằng Ban quản lý đền Quốc Mẫu đem trăn từ nơi khác về nuôi để câu kéo khách thập phương là không. Hơn nữa, chúng tôi cũng không lợi dụng sự xuất hiện của con trăn để mưu lợi”.
Vị này cho biết quan điểm của Ban quản lý đền Quốc Mẫu là không thần thánh hóa sự việc này. Việc trăn xuất hiện tại đền nên Ban quản lý đền phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn giống trăn này.
"Có thể nguồn gốc con trăn này do gia đình nào đó nuôi nhưng bị sổng chuồng và đến ở tại đền. Nhưng, với lý do gì đi chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ chăm sóc con trăn một cách tốt nhất", trưởng ban quản lý đền cho biết.