Trấn Thành nói về cái tên 'Thành Cry': 'Đây là biệt danh dè bỉu nhất mọi thời đại'

05-09-2022 06:44:32

Đây là lần hiếm hoi Trấn Thành trải lòng với người hâm mộ về biệt danh "Thành Cry" được cư dân mạng đặt. Nguyên nhân cái tên này xuất phát từ việc nam MC thường có những khoảnh khắc xúc động, "mau nước mắt" trên sóng truyền hình.

Sự kiện:
Trấn Thành

Ngày 4/9, Trấn Thành lần đầu trải lòng về biệt danh "Thành Cry" do cư dân mạng đặt cho anh. Biệt danh này xuất phát từ việc anh thường có những khoảnh khắc mau nước mắt, thể hiện sự xúc động khi dẫn nhiều chương trình trên sóng truyền hình.

"Trấn Thành khóc là từ khóa nếu search trên Google nó sẽ ra kết quả dài hơn một series truyền hình. Họp báo Ali cũng khóc. The Masked Singger nghe người ta hát cũng khóc. Diễn! Nhảm nhí! Lố vừa phải thôi! Tôi nghe suốt những lời này", Trấn Thành mở đầu bài viết trên fanpage.

"Nickname Thành Cry được đặt ra một cách dè bỉu nhất mọi thời đại. Nó là biểu tượng về một người mít ướt, diễn "ô dề" về cảm xúc", Trấn Thành tuyên bố. Anh khẳng định, bản thân biết rõ những gì khán giả nói về việc anh rơi nước mắt trên sóng truyền hình.

"Họp báo Ali cũng khóc! The Masked Singer nghe người ta hát cũng khóc!  Diễn! Nhảm nhí! Lố vừa phải thôi. Tôi nghe suốt những lời này", ông xã Hari Won viết thêm.

Nam MC tiếp tục trải lòng: "Nếu nói "khóc" là một chiến thuật thì với người làm nghề lâu năm như tôi, tôi cho rằng chiến thuật này dở, nó đã trở nên "nhàm chán", "dễ bị bắt bài" và thậm chí đã phản tác dụng. Nếu thông minh thì bản thân nên biết cách nín khóc đi... Tôi có nghĩ đến rồi và thử làm luôn nhưng thất bại. Nước mắt nó vẫn cứ tuôn ra!".

Theo lời Trấn Thành, anh khóc vì "khi bạn nghe 1 bài hát, nó chỉ là 1 bài hát. Còn khi tôi nghe 1 ca sỹ hát, trong đầu tôi có câu chuyện mà họ kể. Tôi hình dung được mối tình dang dở đó, ký ức đau buồn đó! Tôi xót xa cho nó.

Trước mắt tôi là 1 đồng nghiệp hay ho và tài năng, vì một lý do nào đó mà họ phải ngừng lại sự nghiệp, hay đánh mất cảm xúc trong một thời gian dài. Hôm nay họ tái sinh, thăng hoa trong âm nhạc. Tôi mừng cho hiện tại của họ, xót cho quá khứ của họ và hy vọng cho tương lai của họ nên nước mắt nó chảy ra. Khi bạn nghe một đứa em thân với mình thành thật thốt ra với khán giả của mình: "tôi không đủ tiền để làm 1 cái mv ra hồn", thì nếu bạn là tôi...... nước mắt bạn có ứa ra không?"

Trấn Thành khẳng định: "Tôi dễ khóc và khóc thường như vậy, người thương thì đã hiểu còn người ghét thì vẫn ghét thôi. Họ không tin vào sự đồng cảm và họ nghĩ đây là diễn. Quý vị ơi... Ai diễn mà diễn lì dữ vậy?".

Nam MC thừa nhận bản thân "là một người không quá giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi khi xúc động với cái gì đó, tín hiệu nó báo lên não, não nó truyền lệnh xuống tuyến lệ, thế là tụi nó chui ra, không ngăn lại được".

"Bạn hãy tin là tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi làm không được! Bản chất tôi là như thế! Cứ hay đồng cảm, bao đồng, cảm cái này của người này, xót hoàn cảnh của người kia. 

Nhưng tôi luôn hạnh phúc và tự hào vì sự nhạy cảm này. Với tôi, nó là món quà từ thượng đế. Nó giúp tôi thăng hoa trong nghệ thuật để kể chuyện được bằng những góc nhìn mà người khác ít thấy. Nó giúp tôi tránh xa khỏi sự vô tâm, lãnh cảm và thờ ơ trước mọi thứ xảy ra với mình, dạy tôi biết cách yêu thương những người xung quanh dù lạ hay quen. Giữ cho trái tim của một người nghệ sỹ luôn đủ ấm để lan toả tình yêu thương. Hay mà! Đúng không? Nó giúp tôi nhiều chứ", anh lý giải.

Cuối bài viết, Trấn Thành nhắn nhủ tới khán giả: "Bạn có thể sống lý trí thay vì tình cảm! Bạn có thể không dễ rơi nước mắt!  Bạn có thể không đồng cảm với cái mà người ta đang cảm! 

Nhưng đừng cho rằng ai đó đang cảm động vì một cái gì đó là bất bình thường. Bạn cũng có quyền không thích tôi nữa hoặc tiếp tục mỉa mai tôi hay đặt cho tôi 8 trăm 9 chục ngàn cái nick name khác, sao cũng được. Nhưng tôi có quyền được giữ cảm xúc của tôi nguyên vẹn như vậy! Tôi cũng mệt mỏi trong việc cố gắng không khóc để làm vừa lòng mọi người quá rồi!!! Tôi sẽ vẫn là Thành Cry. Tôi sẽ như thế.... vì .... tôi không làm khác được".

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //