Trầm cảm vì cơ thể bốc mùi do bệnh 'vừa hiếm vừa hiểm'
Từ 2 năm nay, ở vùng kẽ, nách, bẹn của anh Kiên có khối u cục viêm tấy sưng, rỉ dịch, rỉ mủ, bốc mùi hôi khiến anh trầm cảm, lảng tránh mọi người.
Người đàn ông tên Kiên (đã đổi tên), 38 tuổi, quê Hưng Yên, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương với dáng vẻ ngại ngần, lảng tránh mọi người vì sợ mùi cơ thể khiến người khác khó chịu.
Từ 2 năm nay, ở vùng kẽ, nách, bẹn của anh Kiên có khối u cục viêm tấy sưng, rỉ dịch, rỉ mủ, bốc mùi hôi. Mỗi lần nổi u cục, anh đi khám ở địa phương, được chẩn đoán bị nhọt có áp xe. Bác sĩ truyền kháng sinh, thuốc chống phù nề, giảm đau, chống viêm cho anh về uống.
Được một thời gian, tình trạng của anh tái phát, rầm rộ hơn, nhất là mỗi đợt do quá căng thẳng, mệt mỏi, bế tắc, anh hút thuốc nhiều.
2 năm tái phát tới 4 lần, cơ thể bốc mùi khó chịu, anh đi khám kèm triệu chứng: Nách, bẹn, kheo vỡ chảy mủ mùi hôi thối, lành để lại sẹo xơ chắc.
TS Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán anh Kiên bị viêm tuyến mồ hôi thể mủ - một căn bệnh không phổ biến, chỉ khoảng 0,05/100.000 dân. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, Bệnh viện này tiếp nhận tới 6 bệnh nhân mắc bệnh ở những giai đoạn khác nhau tới khám, điều trị.
BS Nguyễn Hữu Quang cho hay, bệnh viêm tuyến mồ hôi mưng mủ liên quan đến trầm cảm, bệnh nhân rất cần nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của gia đình, bạn bè.
Nam bệnh nhân được phẫu thuật do đã ở giai đoạn muộn của bệnh, tổn thương mưng mủ tạo đường rò, dùng thuốc sinh học - một phương pháp Bệnh viện Da liễu Trung ương mới triển khai, cho hiệu quả đáp ứng bệnh 50%. Tuy nhiên, theo BS Quang, bất kỳ biện pháp điều trị nào cũng có nguy cơ bệnh tái phát, do vậy, bệnh nhân cũng cần xác định sẽ sống chung với bệnh cả đời. Nam bệnh nhân vừa được cho ra viện.
Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh lý da nhiễm trùng mãn tính ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể. Do tính chất mãn tính nên tình trạng này tái diễn nhiều lần. Bệnh hình thành bởi một quá trình từ nốt không viêm đến những thương tổn viêm nằm sâu bao quanh gây đau đớn. Hậu quả là chảy mủ nhầy và để lại sẹo xơ dính.
3 giai đoạn bệnh: - Tạo thành áp xe đơn độc, rải rác, không có sẹo hoặc rãnh xoang. - Áp xe tái phát, thương tổn rộng hơn, thương tổn đơn độc tạo thành rãnh xoang và sẹo. - Thương tổn rộng, lan tỏa, liên kết với nhau tạo thành rãnh xoang, chằng chịt. |
Ban đầu, bệnh khởi phát âm thầm với ngứa, hồng ban, tăng tiết mồ hôi khu trú. Về sau thương tổn trở nên đau, chảy mủ và có mùi hôi. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân có triệu chứng sưng tấy mủ, điều trị kháng sinh chỉ làm dịu triệu chứng, không dứt điểm.
Sau một thời gian nếu có yếu tố kích thích như béo phù, hút thuốc nhiều hơn... tình trạng lại bùng phát, gây bít tắc cổ nang lông, khiến tổn thương bị mưng mủ, áp xe. Các nốt viêm tấy trên da tái diễn, thành lỗ rò, nối với nhau tạo thành các đường thông rò.
Là bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống, tâm lý, tinh thần của người bệnh, nhưng viêm tuyến mồ hôi mủ thường bị chẩn đoán nhầm với nhọt, áp xe ngoài da, viêm bạch mạch, bã đậu, lao da, hột xoài và các bệnh nhiễm trùng khác...
"Những bệnh nhân viêm tuyến mồ hôi mủ ở giai đoạn nặng có mùi rất kinh khủng, cản trở sinh hoạt hàng ngày, thậm chí bị lảng tránh bởi cơ thể bệnh nhân lúc nào cũng ướt, chảy dịch, bẩn. Bệnh có liên hệ chặt chẽ với tình trạng trầm cảm" - TS Quang cho hay.
Điều may mắn cho các bệnh nhân viêm tuyến mồ hôi mủ là các vùng tổn thương thường "chọn" nơi kín đáo, khó nhìn. Nếu chăm sóc, vệ sinh tốt, kiểm soát bệnh thì tình trạng bệnh sẽ không ảnh hưởng cuộc sống.
Theo y khoa thế giới, tỷ lệ bệnh nhân nữ mắc bệnh này cao gấp 3-4 lần so với nam giới, độ tuổi mắc bệnh thường từ dậy thì đến khoảng 50 tuổi. Thường bệnh nhân cao tuổi ít bị bệnh do càng cao tuổi thì tình trạng lão hoá càng mạnh, tuyến bã teo bớt sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân là nam lại chiếm đa số, có thể do nữ bệnh nhân khác chưa phát hiện ra bệnh do nhân viên y tế không nghĩ tới bệnh này để chẩn đoán.
Hiện nay chưa có cơ chế, nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, theo TS Quang, di truyền chiếm tới 30% trong số yếu tố nguy cơ. Các bác sĩ tại đây từng tiếp nhận một số "cặp" bệnh nhân là anh em ruột cùng bị bệnh, cùng đến điều trị.
Ngoài ra, cơ địa cũng ảnh hưởng đến bệnh. Tình trạng hút thuốc, béo phì là yếu tố tăng nặng, khiến bệnh dễ bùng phát. Giải thích về điều này, TS Quang cho hay, khi cơ thể béo phì, cổ nang lông bị bít tắc, tuyến bã tiết ra không thoát hết ra ngoài, gây bít tắc, tổn thương nang lông, vi khuẩn xâm nhập… Nếu bệnh nhân đang bị viêm mà có vi khuẩn thì càng bùng phát. Chưa kể, béo phì còn làm gia tăng sự cọ xát, khiến bệnh nặng hơn.
Ba yếu tố cần cho chẩn đoán bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ là: Thương tổn điển hình, phân bố đặc trưng và tái phát. Thương tổn cơ bản sắp xếp theo nhóm: - Comedone trứng cá. - Sẩn màu hồng, đường kính < 1 cm, đau. - Áp xe, sẩn cục chảy mủ, đau nhiều. - Sẹo co kéo da, sẹo lồi lên như dây thừng. Hai vị trí thường gặp là nách , bẹn – tầng sinh môn, và các vị trí khác chứa nang lông và tuyến mồ hôi tiết mùi như: nếp vú, núm vú, kheo, .. |