Grab phải chịu trách nhiệm gì khi tài xế 18 tuổi bị sát hại?

02-10-2019 07:53:54

Sau khi nam sinh Nguyễn Cao S. bị sát hại được xác định là đối tác GrabBike của Grab, dư luận đang quan tâm phía doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm gì?

Vụ nam sinh chạy Grabbike bị sát hại ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Từ trước đến nay có quá nhiều vụ giết người, cướp tài sản mà nạn nhân là các tài xế xe ôm, taxi, tuy nhiên chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn tình trạng trên.

Trong vụ nam sinh viên làm tài xế Grabbike để trang trải cho cuộc sống bị sát hại ở Hà Nội, có thể thấy bản thân tài xế này cũng đã lường trước được sự việc, đã gửi tin nhắn, hình ảnh những đối tượng khách có nghi vấn mang lại sự chẳng lành và dặn bạn bè có gì báo công an nhưng chuyến xe định mệnh ấy vẫn lấy đi tính mạng của tài xế.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm rằng, trong vụ án này, Grab cần thể hiện là một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh, coi trọng khách hàng, bảo vệ người lái xe (là đối tác làm việc) tạo ra giá trị cho mình.

"Grab không phải đơn vị sử dụng lao động nên họ không có trách nhiệm bắt buộc phải lo ‘thế này, thế kia’, Tuy nhiên, về mặt đạo đức kinh doanh họ thu tài chính từ người dân nên cần có trách nhiệm giúp đỡ hỗ trợ nạn nhân - người tạo ra giá trị lợi ích cho mình", luật sư Quách Thành Lực nói.

Vị luật sư cho rằng từ những sự cố liên tiếp xảy ra, Grab và các doanh nghiệp vận tải công nghệ khác nên có phương án tối ưu để bảo vệ tài xế.


Chân dung 2 nghi phạm vụ sát hại nam sinh chạy Grab. Ảnh: Soha

Grab nên có một tính năng trong ứng dụng của mình đó là cho phép tài xế gửi ảnh của hành khách về công ty công khai. Khi hành khách biết hình ảnh của mình đã được ghi nhận và quản lý thì chắc chắn sẽ từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội.

"Trong vụ án nghiêm trọng này, nam tài xế GrabBike đã ít nhiều có sự cẩn trọng khi gửi ảnh, tin nhắn cho người thân về hành khách dự định chận chuyển. Thực tế diễn ra cho thấy, điều này đã giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện, bắt giữ kẻ phạm tội", luật sư Quách Thành Lực nói.

Luật sư Đặng Văn Cường cho Kiến Thức biết, xe ôm công nghệ là một loại hình kinh doanh mới, sử dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe mô tô. Hoạt động vận tải này có nhiều ưu điểm trong thời công nghệ như: dễ dàng kết nối giữa hành khách và lái xe, giá cả rõ ràng, không bị chặt chém, kiểm soát được lộ trình di chuyển... nhưng cũng dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm cần phải có sự quản lý của nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho người lao động.

“Những vụ án giết người cướp tài sản xảy ra mà nạn nhân là người lái xe ôm không phải là chuyện hiếm, cũng không lạ. Trước khi có lái xe ôm công nghệ thì rất nhiều người làm xe ôm truyền thống cũng đã trở thành nạn nhân của những vụ giết người, cướp tài sản”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với xe ôm công nghệ thì vụ việc xảy ra có thể để lại nhiều dấu vết hơn, dễ phá án hơn cho cơ quan điều tra như: Lộ trình của cuốc xe, thông tin về số điện thoại của người gọi, thời điểm, địa điểm của chuyến đi...

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, để giảm thiểu những vụ án giết người cướp tài sản đối với nạn nhân là người lái xe ôm, taxi, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải là taxi, xe ôm công nghệ trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho các lái xe trong trường hợp gặp phải những tình huống có vấn đề; Cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ lộ trình của các chuyến xe.

Trong trường hợp nghi ngờ tình huống lái xe bị cướp thì doanh nghiệp vận tải phải kịp thời có tình huống xử lý và trình báo phải phối hợp với cơ quan công an để sớm phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật; Cần phải đảm bảo quyền lợi của người lái xe về việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác khi tai nạn, rủi ro xảy ra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì lao động thời vụ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bởi vậy, với những người lái xe taxi truyền thống thì cơ hội đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cao hơn, còn đối với những người lái xe công nghệ thì việc đóng bảo hiểm còn được quy định lòng lẻo, nhiều doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc dẫn đến nhiều người lái xe không được đảm bảo quyền lợi, chế độ của mình khi có sự vụ xảy ra.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //