TP.HCM đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2

04-01-2021 17:06:34

Sau khi Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên có biến thể virus SARS-CoV-2 đang cách ly và điều trị tại Trà Vinh, TP.HCM đã chuẩn bị sẵn lực lượng chống dịch tại chỗ với hơn 14.000 tổ Covid-19 cộng đồng.

Xét nghiệm Covid-19 tại Viện Pasteur TP.HCM.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết: "Việc virus biến chủng là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, bắt đầu thích nghi hơn với con người. Khi đó, chúng có tốc độ lây lan nhanh hơn, khả năng lây từ người này sang người khác dễ dàng hơn, nhưng không làm tăng nặng hơn tình trạng của bệnh tật".

Theo bác sĩ Khanh, vấn đề cao nhất được đặt ra lúc này là tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho hay từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM luôn kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam. Những người đi trên các chuyến bay về nước đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

 "Đây là mức phòng dịch cao nhất, nên trước tình hình biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chúng tôi vẫn thắt chặt kiểm soát phòng dịch như hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất", ông Tâm nói

BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trước tình hình này, HCDC tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, chống dịch, triển khai các tổ Covid-19 cộng đồng có chức năng giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 chủ động tại từng hộ gia đình.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tổ Covid-19 cộng đồng còn giám sát, phát hiện và báo cáo ngay chính quyền địa phương, y tế địa phương những trường hợp nghi mắc tại các hộ dân để tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, phát hiện và báo cáo những trường hợp không thực hiện khai báo y tế, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, người từ vùng dịch trở về chưa khai báo y tế. Tổ này còn có nhiệm vụ hỗ trợ địa phương và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh Covid-19 trong khu vực phụ trách.

Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng có 2-3 người, sức khỏe tốt và không mắc các bệnh mạn tính, ưu tiên cán bộ tổ, ấp, khu phố, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách 40-50 hộ gia đình.

TP.HCM hiện thành lập hơn 14.200 tổ Covid-19 cộng đồng. Đây sẽ là lực lượng cần thiết giúp chính quyền địa phương và cơ quan y tế giám sát hiệu quả dịch bệnh tại khu vực trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết ông không ngạc nhiên khi Việt Nam ghi nhận bệnh nhân mang biến chủng mới của virus gây đại dịch Covid-19.

Theo ông Phu, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào bệnh viện và lây nhiễm tại đây rất cao.

"May mắn, bệnh nhân mang biến chủng mới vừa được Bộ Y tế công bố đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng biến chủng này lọt ra ngoài cộng đồng. Với trường hợp tương tự, không đáng ngại nếu người nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 được cách ly tốt. Chúng ta không cần quá lo lắng. Người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch như trước đây đã và đang thực hiện", ông Phu khẳng định.

PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh mối nguy hiện tại của Việt Nam là nhập cảnh trái phép. Nếu không được cách ly ngay, khả năng những người này làm dịch lây lan trong cộng đồng rất cao. Đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện.

Bạch Dương
Theo Dân Việt //