TOP 10 loại lá uống mát gan, tăng cường chức năng gan
Để giúp cải thiện tình trạng nóng gan, hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, tăng cường chức năng gan, rất nhiều người bệnh đã tìm đến và sử dụng các loại lá, thảo dược tốt cho gan nhờ tính an toàn, không gây tác dụng phụ như thuốc Tây.
Dấu hiệu bạn bị nóng gan
Là một bộ phận nội tạng lớn nhất, gan có vai trò thực hiện hơn 500 nhiệm vụ khác nhau, đặc biệt là giúp thanh lọc và đào thải độc tố cho cơ thể. Nóng gan là tình trạng chức năng gan bị suy giảm, không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, gây ra nhiều dấu hiệu khó chịu, bất thường.
Cụ thể, người bệnh khi bị nóng gan thường gặp phải những dấu hiệu sau:
- Da bị nổi mụn nhọt, mẩn ngứa: Chức năng gan bị suy yếu khiến độc tố bị tích tụ lại trong gan và cơ thể, đi vào da gây ra tình trạng mẩn đỏ, nổi mề đay. Ở mức độ nhẹ, mẩn ngứa, kích ứng trên da chỉ xuất hiện từng vùng hoặc lan ra toàn thân. Nhưng khi ở mức độ nặng sẽ nổi thành mụn nước, gây khó chịu, phù nề, ngứa dữ dội.
- Bị vàng da và xuất hiện quầng thâm quanh mắt: Khi bị nóng gan, gan sẽ không thể thực hiện tốt chức năng chuyển hóa mật, dẫn đến nồng độ bilirubin bị ứ đọng lại trong máu, gây ra vàng da, móng tay và niêm mạc mắt cũng chuyển sang màu vàng, kèm theo thâm, mỏi mắt.
- Chướng bụng: Cảm giác căng tức bụng, bụng có dấu hiệu phình to, đây là dấu hiệu của tình trạng gan đã bị nhiễm khuẩn.
- Hơi thở có mùi, hôi miêng: Nóng gan làm cơ thể sản sinh chất ammonia nhiều hơn và khiến cho người bệnh thở ra mùi hôi khó chịu. Đi kèm với đó là tình trạng kém ăn, người mệt mỏi.
- Thay đổi về màu phân và nước tiểu: Phân chuyển sang màu trắng bạc, nước kiểu cũng trở nên sẫm màu hơn.
Khi gặp những triệu chứng trên, người bệnh nên đi thăm khám và áp dụng các phương pháp giúp mát gan, giải độc gan phù hợp.
Ưu điểm phương pháp làm mát gan từ thiên nhiên
Các phương pháp giúp mát gan, giải độc gan bằng các loại lá uống mát gan thiên nhiên được nhiều người bệnh áp dụng nhờ nhiều ưu điểm như:
- An toàn, không gây tác dụng phụ.
- Các nguyên liệu dễ tìm, dễ mua.
- Các bài thuốc thực hiện rất đơn giản, ngay tại nhà, và việc sử dụng đều đặn, kiên trì sẽ đem lại hiệu quả cao.
- Tiết kiệm chi phí.
>>> XEM THÊM: Vì sao cần giải độc gan sau khi dùng kháng sinh?
Top 10 lá uống mát gan, tăng cường chức năng gan hiệu quả
1. Lá rau má
Lá rau má là loại rau rất quen thuộc đối với người Việt, có tính mát, giúp giải độc gan và trị nóng gan rất hiệu quả.
Cách làm: Rau má đem rửa sạch, sau đó đem xay nhuyễn rồi vắt lấy nước uống, có thể thêm chút đường cho dễ uống. Để cải thiện hiệu quả tình trạng nóng gan, người bệnh nên duy trì uống khoảng 3 đến 4 ly nước rau má mỗi tuần.
2. Lá trà xanh
Lá trà xanh là loại lá uống mát gan tác dụng giải độc gan, đào thải độc tố hiệu quả ra ngoài cơ thể. Các hoạt chất chống oxy hóa có trong lá trà xanh bên cạnh tác dụng mát gan còn tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể, giải tỏa căng thẳng và làm đẹp da.
Cách làm: Lá trà xanh đem rửa sạch, vò hơi nát rồi hãm lấy nước uống (ủ trong khoảng 15 phút), có thể cho thêm vào vài lát gừng hoặc lá bạc hà. Nước trà xanh chỉ nên pha chế và uống trong ngày. Người bệnh cũng lưu ý không nên uống trong lúc đói và trước khi ngủ, chỉ nên uống khoảng 0,7 đến 1,4 lít nước mỗi ngày.
3. Lá vối
Lá vối không chỉ giúp thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu mà hoạt chất tanin và các vitamin có trong loại lá này tác dụng hỗ trợ giải độc gan rất hiệu quả. Lá vối được nhiều gia đình sử dụng như nước uống hàng ngày thay cho nước trắng.
Cách làm: Lá vối đem rửa sạch rồi hãm khoảng 15 phút là có thể sử dụng được.
4. Lá mã đề
Lá mã đề là một vị thuốc trong Đông y, tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan rất hiệu quả
Cách làm: Lá mã đề đem rửa sạch rồi hãm với nước uống hoặc có thể đem nấu thành canh với thịt nạc.
5. Lá Atiso
Lá Atiso là loại cây có rất nhiều công dụng, bồi bổ sức khỏe toàn cơ thể, giúp chống oxy hóa, tăng cường hệ tiêu hóa, đặc biệt là mát gan, giải độc, hỗ trợ cải thiện các bệnh lý về gan.
Sử dụng lá Atiso như loại lá uống mát gan, thải độc, người bệnh thực hiện như sau: Dùng lá atiso tươi hoặc khô, đem đun lấy nước uống hoặc chế biến thành các món ăn.
6. Lá nhân trần
Nhân trần là loại lá uống giải khát sử dụng khá phổ biến. Những thành phần trong loại lá uống mát gan này như các chất chống oxy hóa, pinen, xeton, capilen… có tác dụng rất tốt cho gan và thận, bảo vệ tế bào gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Đồng thời tăng tiết dịch mật, bảo vệ thận, tăng cường lưu lượng tuần hoàn toàn cơ thể.
Cách làm: Lá nhân trần (có thể sử dụng lá tươi hoặc khô) đem rửa sạch và hãm với nước sôi khoảng 10 - 15 phút là có thể sử dụng được.
7. Lá Bồ công anh
Giống với nhân trần, lá bồ công anh cũng có tác dụng giúp giảm nóng gan rất hiệu quả, hỗ trợ tăng cường chức năng thải độc cho gan, kiểm soát lượng mỡ trong cơ thể nhờ chứa các thành phần dược tính cao như Nulin, Pectin, Taraxasterol, Choline… Đây cũng là một vị thuốc nam quen thuộc, thường được dùng trong các trường hợp cần thanh nhiệt, giải độc.
Cách làm: Lá bồ công anh đem rửa sạch, đem xay nhuyễn (hoặc giã nát) cùng với muối, sau đó chắt ra lấy nước uống.
8. Lá nhọ nồi
Lá nhọ nồi là một vị thuốc Đông y khá lâu đời, có vị ngọt, tính mát, giúp mát gan, bổ thận, thanh lọc, hỗ trợ tăng cường chức năng gan.
Có thể dùng lá nhọ nồi như một loại lá uống mát gan với cách làm đơn giản: Dùng lá nhọ nồi tươi để sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột để hằng ngày ăn với cơm đều được.
9. Lá Diệp hạ châu
Lá diệp hạ châu (tên gọi dân gian là lá chó đẻ răng cưa) cũng là vị thuốc quen thuộc có tác dụng rất tốt cho gan và thận, giúp mát gan, ức chế sự phát triển của vi rút viêm gan, tăng cường chức năng thận, cải thiện tiêu hóa, tăng hệ miễn dịch cho toàn cơ thể.
Cách làm: Cách sử dụng lá uống mát gan diệp hạ châu đơn giản nhất là lá diệp hạ châu đem rửa sạch, xắt lá rồi đem nấu thành nước uống.
10. Lá Neem (xoan Ấn Độ)
Được xem là một trong những loại thảo dược quý hiếm có nguồn gốc từ Ấn Độ, lá neem chứa thành phần hơn 100 loại hợp chất khác nhau, có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm rất hiệu quả. Loại lá này thường được sử dụng trong hỗ trợ các loại bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, giúp bảo vệ gan khỏe mạnh.
Cách làm: Sử dụng lá neem khô (khoảng 10 đến 15 lá), sắc với khoảng 1500ml nước, hàng ngày uống đều đặn trước bữa ăn.
Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người bị nóng gan
Bên cạnh việc sử dụng các loại lá uống mát gan, người bệnh nên song song áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện hiệu quả hơn tình trạng nóng gan. Cụ thể:
- Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho gan như rau xanh, các loại cá béo, trái cây, ngũ cốc…
- Ưu tiên lựa chọn các món ăn được chế biến dạng luộc, hấp, súp, cháo… giúp dễ tiêu hóa hơn.
- Uống đủ nước, khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
- Nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều gia vị, thịt đỏ, nội tạng, đồ ăn chế biến sẵn…
- Nói không với bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích.