Tổng Giám đốc "mời" góp vốn dự án 25.000ha, vay 4 tỷ nhiều năm chưa trả nổi

02-06-2021 11:46:43

Ông Hoàng Văn Khánh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Placo (Hải Phòng), từng được vinh danh năm 2010 vì có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng - nay bị một doanh nghiệp "tố" vay 4 tỷ đồng nhưng thời gian dài chưa trả.

Vay 4 tỷ đồng sau khi mời góp vốn bất thành

Báo điện tử Dân Việt nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Đông Dương (Công ty Đông Dương), trụ sở tại TP. Hà Nội  - phản ánh việc bị ông Hoàng Văn Khánh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Placo (Công ty Placo), trụ sở tại Hải Phòng  vay 4 tỷ đồng, nhưng chây ì trả nợ. 


Ông Hoàng Văn Khánh bị phản ánh vay nợ của Công ty Đông Dương nhưng trây ỳ trả. Năm 2010 ông này được vinh danh là người hùng phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Báo Xây dựng

Theo trình bày, tháng 10/2018 ông Lộc quen ông Khánh qua một người bạn. Người này nói ông Khánh có khu đất khoảng 25.000 ha ở Đắk Lắk và muốn mời ông Lộc hợp tác đầu tư vào khu đất trên. 

Sau đó, ông Khánh thường xuyên liên lạc với ông Lộc, rồi lại mời đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp cao su, năng lượng tái tạo ở Đắk Lắk, mà ông này đang triển khai. 

Ông Khánh gửi cho ông Lộc xem một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Đắk Lắk cấp và Hợp đồng hợp tác đầu tư ký ngày 18/7/2018, giữa Công ty Placo của ông Khánh và Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam). 

Tiếp theo, ông Khánh mời ông Lộc vào Đắk Lắk thăm dự án. Sau đó, ông Khánh gửi thư điện tử cho ông Lộc để mời hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, do nhận thấy còn nhiều điểm cần phải làm rõ, nên ông Lộc chưa đồng ý ký góp vốn vào dự án. 

Tháng 1/2019, ông Khánh mời ông Lộc đến nhà riêng ở Hải Phòng chơi, tại đây ông Khánh có đặt vấn đề vay 4 tỷ đồng để làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất của Công ty Placo tại Đắk Lắk. Ông Lộc đã cho vay tiền.


Công ty Đông Dương của ông Lộc đã nhiều lần gửi văn bản cho ông Lộc nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Ảnh: ĐV

Hai bên lập bằng hợp đồng vay vốn ký ngày 24/1/2019 giữa Công ty Đông Dương của ông Lộc và Công ty Placo của ông Khánh. Thời hạn vay từ ngày 24/1/2019 đến ngày 20/4/2019. 

Căn cứ hợp đồng vay vốn nêu trên, Điều 1 của hợp đồng nêu rõ mục đích vay là để Công ty Placo thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản trên đất của Placo tại Đắk Lắk. Điều 2 và 5 của hợp đồng quy định rõ thời hạn cho vay và nghĩa vụ của bên vay.

Ký nhiều văn bản xác nhận nợ nhưng không trả

Thế nhưng, khi đến thời hạn trả nợ, ông Khánh chỉ thanh toán đúng 1 tỷ đồng và nợ lại hơn 3 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Từ đó đến nay ông Khánh không thanh toán bất kỳ khoản nợ gốc và lãi nào nữa. Công ty ông Lộc đã ra rất nhiều văn bản yêu cầu trả nợ, nhưng không nhận được sự hợp tác từ ông Khánh. 

Theo tài liệu Dân Việt có được, sau khi ký hợp đồng vay vốn, ngày 15/7/2019, phía Công ty Placo có văn bản số 096/CV-PLACO về việc xác nhận công nợ. 

Tại văn bản này, Công ty Placo cam kết trong vòng 30 ngày kể từ ngày 15/7 đến 15/8/2019 sẽ thanh toán nốt 50% số tiền đang nợ là hơn 1,6 tỷ đồng, 50% số tiền còn lại sẽ thanh toán cho Đông Dương chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thanh toán lần thứ nhất.


Văn bản xác nhận công nợ của Công ty Placo gửi tới Công ty Đông Dương.

Tuy nhiên, sau đó Công ty Placo vẫn không thanh toán như cam kết và Công ty Đông Dương lại tiếp tục gửi văn bản yêu cầu thanh toán. Ngày 17/3/2020 ông Khánh trực tiếp gặp ông Lộc và lập biên bản làm việc giữa hai bên. Theo biên bản này, Placo tiếp tục cam kết trả 100% tiền vay và lãi suất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký biên bản. 

"Mặc dù có rất nhiều văn bản xác nhận công nợ và thời gian trả nợ nhưng cứ ký xong thì đâu lại vào đấy. Hiện tại, tôi vẫn chưa nhận được số tiền mà ông Khánh đang nợ. Thậm chí, tôi còn xuống tận nhà, vào công ty và gọi điện nhưng không lần nào gặp được ông Khánh nữa. 

Thư từ gửi theo địa chỉ như lúc trước cũng không có hồi báo, có biểu hiện ông Khánh không còn ở nơi cư trú" – ông Lộc bức xúc.

Ở một diễn biến liên quan, một nguồn tin của Dân Việt cho biết, Công ty cổ phần cao su Phước Hòa có ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2018/HĐ-PLACO_PHR với Công ty Placo. Tuy nhiên Công ty Placo không thực hiện hợp đồng, nên Công ty cổ phần cao su Phước Hòa đã thanh lý hợp đồng. 

Luật sư nói gì?

Sau khi nghiên cứu vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hợp đồng vay tài sản là quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo quy định của bộ luật dân sự. Theo đó, bên vay tiền phải sử dụng tiền đúng mục đích và có nghĩa vụ phải trả tiền gốc và lãi theo thỏa thuận.

Trường hợp ông Khánh đưa ra thông tin không đúng sự thật để được vay tiền sau đó không có ý định trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đó hoặc sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ hoặc có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ thì có dấu hiệu tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo luật sư Cường, vụ việc này có một số vấn đề cần làm rõ là mục đích của khoản vay là gì, thông tin của bên đi vay đưa ra về dự án đấy là có thật hay không, có còn tồn tại hay không và khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng như cá nhân người vay là như thế nào?

Trường hợp ông Khánh mất khả năng trả nợ nhưng vẫn đưa thông tin gian dối về dự án đã được thanh lý, không còn tồn tại để vay nợ sau đó không có khả năng trả lại tiền thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn trong trường hợp ông Khánh vay, mượn tiền sau đó sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện trả nhưng cố tình không trả nợ, vậy hành vi cũng có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015.

"Về mặt hình thức đây là giao dịch giữa hai pháp nhân với nhau, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên trong giao dịch này mà có yếu tố lừa dối, gian dối để chiếm đoạt số tiền vay thì hành vi có thể xử lý theo tố tụng hình sự. Nếu có đơn tố giác, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề trên" – vị luật sư nhấn mạnh. 

Ngày 21/5, để có thông tin khách quan, PV Dân Việt đã liên lạc với ông Hoàng Văn Khánh. Tuy nhiên, khi vừa nghe chúng tôi trình bày nội dung thì ông Khánh nói đây chỉ là vấn đề dân sự rồi tắt máy. PV gọi lại thêm nhiều lần đề nghị trao đổi tiếp nhưng ông này không nghe máy.

Đầu tháng 2/2010 tại Hà Nội, lực lượng Công an bắt quả tang vị Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) Đoàn Tiến Dũng (nguyên Giám đốc chi nhánh BIDV Hải Phòng) đang nhận 1 tỷ đồng "vòi vĩnh" của chính ông Khánh.

Sau đó, Đoàn Tiến Dũng cùng một số cộng sự bị lôi ra trước vành móng ngựa và phải chịu án phạt tù. Để có kết quả như vậy, ông Khánh đã dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi sai trái của nhóm người trên.

Từ vụ việc trên mà trong năm 2010, ông Hoàng Văn Khánh là một trong số gần 100 "người hùng" của cả nước được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tôn vinh và tặng Kỷ niệm chương.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.

Đình Việt
Theo Dân Việt //