Tìm thấy hài cốt nghi là Tào Tháo
Mới đây, một đội khảo cổ đã khai quật được 3 bộ hài cốt, trong đó có một bộ được cho thuộc về Tào Tháo.
Trang Sohu đưa tin, khi khai quật Cao Lăng, tương truyền là nơi mai táng Tào Tháo ở An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đội khảo cổ đã phát hiện thấy 3 bộ hài cốt gồm một nam hai nữ ở bên trong khu mộ.
Sau khi giám định, Viện văn hóa và khảo cổ học tỉnh Hà Nam cho hay, một trong 3 bộ hài cốt khai quật được chính là Tào Tháo. Bộ di cốt người đàn ông được tìm thấy trong huyệt mộ chính, còn tương đối nguyên vẹn, khoảng 60 tuổi và được xác định là Tào Tháo.
Hai bộ di cốt còn lại được chôn trong một huyệt mộ phụ kề bên, cách khu mộ chính khoảng vài chục mét. Hai người phụ nữ lần lượt được xác định một người khoảng 50 tuổi và người còn lại khoảng 20 tuổi. Tuy nhiên, bộ di cốt của người phụ nữ trẻ tuổi không còn nguyên vẹn và cần được giám định thêm.
Dù cần được giám định thêm nhưng căn cứ vào xương đầu, các chuyên gia khảo cổ có thể mạnh dạn phán đoán hai di cốt của người phụ nữ đều là vợ của Tào Tháo. Người già là Biện Thị (Biện phu nhân), mẹ của Tào Phi. Người trẻ là Lưu phu nhân, mẹ của Tào Ngang.
Tìm thấy hài cốt nghi là Tào Tháo. Ảnh: Internet
Mặc dù các nhà khảo cổ xác định đó là di cốt của Tào Tháo nhưng trước thông tin này, nhiều cư dân mạng vẫn còn hoài nghi. Bởi theo sử sách ghi lại, Tào Tháo vốn đa nghi nên khi còn sống ông “thà giết nhầm chứ không bỏ sót”, vì vậy ông có rất nhiều kẻ thù.
Lo sợ sau khi chết đi, kẻ thù sẽ tới đào mộ ông nên Tào Tháo đã yêu cầu cho xây thật nhiều mộ giả. Do đó, trong ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khiêng quan tài cũng không biết cái nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật.
Vậy nên khi các nhà khảo cổ nói chỉ phát hiện hai khu mộ trong đó có 3 bộ hài cốt, nhiều người đã ngờ vực về tính xác thực của nó.
Hiện tại, ngôi mộ được cho là của Tào Tháo đã được các nhà khảo cổ phủ bạt xanh. Chính quyền tỉnh Hà Nam đang gấp rút triển khai xây dựng khu mộ này thành bảo tàng, dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 - 3 năm tới.
Tào Tháo (155 - 220 sau Công nguyên) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù có công lớn trong việc dẹp loạn, thống nhất phương bắc, nhưng hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ.
Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”.