Cuộc đời của NSƯT Phạm Bằng
NSƯT Phạm Bằng sinh là người Hà Nội gốc. Ông sinh ra trong gia đình có 3 chị em.
Gia đình của NSƯT Phạm Bằng
NSƯT Phạm Bằng sinh 1931, quê gốc ở Hà Nội. Ông là Nghệ sĩ ưu tú, nổi tiếng là diễn viên kịch, diễn viên hài.
Vợ của Phạm Bằng là người phụ nữ kém ông 8 tuổi, làm nghề bán bánh trôi tàu. Ông từng kể: "Bà vợ tôi và quán bánh trôi tàu ấy chính là lý do vì sao tôi theo đuổi được con đường nghệ thuật suốt cả cuộc đời.
Trong những năm tháng khó khăn tưởng như người ta phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo, thì tôi vẫn kiên quyết bám trụ đến cùng, bởi có bà vợ tôi cùng quán bánh trôi ấy lo lắng việc kinh tế gia đình".
Vợ chồng nghệ sĩ Phạm Bằng hồi trẻ
Ông cho rằng bà góp 98% vào thành công của mình. Sau khi bà mất, ông bị khủng hoảng tinh thần một thời gian. Ông bà có bốn người con: ba người con gái và con trai út. Hai người con trưởng thành đã đi xa mỗi người một phương, ông sống với con gái thứ ba chưa chồng.
"Tôi có 4 người con, 3 cô con gái, một anh con trai thì có 2 cô theo nghề của tôi. Một cô trước là cùng nhà hát kịch với tôi, cùng lớp của Quế Hằng, Quế Phương, Ngọc Bích. Nó cũng là diễn viên diễn được. Vào nghề được hơn chục năm thì lấy chồng ở trong miền Nam, chồng không thích nghề này lắm nên về thành lập công ty riêng.
Một cô nữa trước làm ở nhà hát kịch Hà Nội giờ cũng sang Đức làm ăn với chồng", nghệ sĩ Phạm Bằng kể.
Con đường đến với nghiệp diễn của NSƯT Phạm Bằng
Bố NSƯT Phạm Bằng mất sớm, để lại vợ cùng ba người con. Thời điểm đó, mẹ ông mới có 24 tuổi nhưng quyết không đi bước nữa mà ở vậy nuôi các con.
Con đường theo nghiệp diễn kịch của ông không được mẹ ủng hộ. Khi biết ông muốn theo nghiệp diễn, mẹ ông đã dứt khoát không đồng ý. Trong suốt những năm đi diễn của mình, ông chưa bao giờ thấy mẹ vui và đến rạp xem.
NSƯT Phạm Bằng hồi trẻ
Phạm Bằng đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính vào năm 1955. Trong quá trình là sinh viên của trường ông cũng từng tham gia đóng kịch. Tuy nhiên đến năm 1956, lúc đó ông đang học năm 2 thì phải nghỉ học bởi lý do gia đình.
Đến năm 1959, Phạm Bằng có cơ hội tham gia đoàn kịch của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở "Vũ Như Tô" nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng đỗ cả hai nơi.
Ông đã lựa chọn vào đoàn văn công Hà Nội bởi vào đó ông có thể vừa học, vừa diễn để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Bởi thời kì đó, gia đình Phạm Bằng nghèo khổ, cùng lúc đó ông lại mới lấy vợ.
Tháng 12/1959, Phạm Bằng chính thức tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu hoạt động riêng. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài. Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục.
Cuối năm 1974, đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Phạm Bằng từng chia sẻ với báo chí: "Chỉ đọc mỗi phần diễn của mình thì làm sao nắm bắt được các mối liên hệ nhân vật trong vở kịch được. Riêng tôi từ trước đến nay luôn phải đọc trọn kịch bản, rồi mới yên tâm diễn". Hơn chục năm từ khi vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng rất vất vả.
Sau khi "đứng vững" trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn.
Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục.
Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên do đợt ốm trong khoảng thời gian 2012-2013, ông nghỉ bán quán.