Thưởng Tết 2021 như thế nào để người lao động không thiệt thòi?
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc một năm đầy biến động về mặt kinh tế do ảnh hưởng từ COVID-19 và mưa bão lịch sử. Chính về thế, vấn đề lương; thưởng Tết như thế nào vào dịp cuối năm nhận được không ít sự quan tâm của mọi người nhất là công nhân viên chức và những người lao động.
Năm 2020, dịch COVID-19 hoành hành, nhiều ngành kinh tế lao đao, hầu hết các doanh nghiệp đều sụt giảm doanh thu. Hàng loạt công ty phải cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản vì ảnh hưởng quá lớn từ đại dịch. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn cần phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm "thưởng Tết" không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác. Bộ luật này được áp dụng từ ngày 01/01/2021. Cụ thể, Điều 104 của Bộ luật quy định về Thưởng thay vì Tiền thưởng như Bộ luật Lao động 2012.
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách để đảm bảo quyền lợi tối đa cho công nhân viên trước khi diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, Bộ luật này đã quy định rõ việc cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch.
Trước tình hình chung về kinh tế, nhiều công ty đã chia sẻ với nhân viên bằng tinh thần "chung lưng đấu cật" vượt qua khó khăn hiện tại. Những năm trước, mức thưởng Tết của công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Hà Nội) là một tháng lương kèm theo quà hiện vật. Tuy nhiên, năm nay, tổng giám đốc của công ty cho biết mức thưởng có thể cắt giảm vì ảnh hưởng chung của đại dịch nhưng không quá đáng kể, công ty vẫn cố gắng hỗ trợ tối đa cho anh em công nhân viên".
Tại các tỉnh miền Trung, các doanh nghiệp lớn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi mưa bão lịch sử. Tuy nhiên, theo ghi nhận nhanh của PV, hầu hết các doanh nghiệp vẫn mong muốn hỗ trợ tối đa cho nhân viên. Anh Nguyễn Văn Nam, phụ trách hành chính của Công ty cung cấp thực phẩm Nam Việt cho biết: "Tình hình hiện nay tương đối khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn cố gắng đảm bảo phần thưởng Tết như năm ngoái cho các công nhân. Đa phần lực lượng làm việc cho công ty đều là người miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch vừa qua nên công ty muốn tạo điều kiện tối đa để anh chị em cùng vượt qua khó khăn".
Chia sẻ từ nhiều tập đoàn lớn khác như Big C, Sakura Shirai, mức thưởng Tết năm nay sẽ không có nhiều biến động quá lớn so với mọi năm nhằm đảm bảo tinh thần làm việc cho cán bộ, công nhân.
Không chỉ có các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân mà ngay cả các cán bộ công nhân viên chức cũng rất quan tâm đến thưởng Tết cuối năm sau những biến động do COVID-19 và bão lũ thời gian qua. Chị Dương Thùy Linh (26 tuổi, giáo viên trường mầm non Trung Kiên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Khi thấy mọi người chia sẻ thông tin thưởng Tết bằng hiện vật, tôi thấy nó khá mới lạ và cũng thú vị bởi những năm trước vào dịp cuối năm thì nhân viên sẽ được thưởng tiền. Nhưng năm nay, tôi cũng đang mong chờ không biết cơ quan tôi làm sẽ có chính sách như thế nào. Tuy nhiên, đa phần anh, chị, em đều xác định tinh thần chia sẻ chung cùng nhà trường và cộng đồng vì năm qua đã quá khó khăn".
Thưởng Tết là hình thức được nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước áp dụng nhiều năm qua tùy theo năng lực của mỗi người nhằm ghi nhận và khích lệ tinh thần làm việc của đội ngũ. Việc luật hóa khái niệm này, dù là thưởng bằng hiện vật hay tiền thưởng cũng là một cách để tăng quyền lợi cho người lao động. Đánh giá thưởng bằng cách chỉ tiêu được công khai khiến người lao động giảm bớt sự thiết thòi với những "khoảng cách công bằng" vốn tồn tại ngầm.