Thực hư trẻ đóng bỉm hàng ngày gây vô sinh, chân vòng kiềng?

31-10-2016 16:29:01

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Lan (khoa Nhi- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội) khẳng định, việc đóng bỉm cho trẻ không gây vô sinh, chân vòng kiềng cũng như làm hăm.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội thời gian gần đây đang xôn xao thông tin mẹ dùng bỉm hàng ngày sẽ làm nóng tinh hoàn của bé trai, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này và khiến chân vòng kiềng, hẹp bao quy đầu…Thông tin lan truyền này đã khiến không ít bà mẹ bỉm sữa lo ngại và hoang mang tột độ. Nhiều chị em phân vân thậm chí có những phụ huynh vì quá lo lắng đã ngừng hẳn việc dùng bỉm và vệ sinh cho con theo kiểu truyền thống: quấn khăn tã cho bé.

Không chỉ vậy, nhiều mẹ còn bất an đêm dậy 4-5 lần để thay tã vải cho con và thay đổi chỗ nằm. Cách này làm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của bé.

Bố mẹ cần chọn những loại bỉm đảm bảo chất lượng và phù hợp với cân nặng của trẻ

Đóng bỉm hàng ngày có gây vô sinh?

Trao đổi, giáp đáp thắc mắc đang gây hoang mang dư luận này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Lan, khoa Nhi- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội nhấn mạnh, việc đóng bỉm không gây vô sinh, chân vòng kiềng cũng như làm hăm trẻ. Trong quãng thời gian trẻ được đóng bỉm, cho dù đeo cả ngày cũng không ảnh hưởng đến việc làm hẹp bao quy đầu hay chức năng sinh sản sau này của trẻ.

Vấn đề tinh hoàn cần môi trường nhiệt độ thấp là đúng nhưng đó là môi trường điều kiện để sản xuất tinh trùng. Còn, đối với trẻ nhỏ, tinh hoàn không sản xuất tinh trùng.

Đồng thời  “Trẻ bú mẹ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, khả năng kiếm soát cơ tròn (cơ thắt hậu môn, cơ niệu đạo) rất hạn chế. Do đó, trẻ sẽ bài tiết (tống phân, nước tiểu) theo nhu cầu, ngay lập tức mà không có khả năng trì hoãn. Vì vậy, việc đóng bỉm là cần thiết đối với trẻ nhằm tránh bị ướt nhiều lần trong ngày”.

Cũng trao đổi về vấn đề này, trả lời Zing.vn, Thạc sĩ Lê Thanh Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: Hiện tại chưa có cơ sở nào chứng minh việc dùng bỉm có thể gây vô sinh cho các bé trai. Ở tuổi dậy thì từ 13-14 tuổi, tinh trùng của các bé trai mới bắt đầu xuất hiện, tinh trùng trưởng thành thì phải đến 14-15 tuổi.

Vậy nên từ khi sinh đến 2 tuổi, khi các mẹ đóng bỉm cho bé trai vẫn không có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của bé sau này. Khi ở tuổi sử dụng bỉm, bộ phận sinh dục của trẻ chưa phát triển nên không có tinh trùng.

Thạc sĩ Lê Thanh Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ (Ảnh Zing)

Cách sử dụng bỉm an toàn cho trẻ

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bỉm. Các mẹ khi chọn bỉm cho con nên chú ý về thương hiệu, loại bỉm có nhãn mác, xuất xứ tránh tình trạng hàng giả không được kiểm duyệt về chất lượng. Có nhiều trường hợp trẻ bị hăm, mẩn ngứa ở vùng kín vì dùng bỉm kém chất lượng.

Bên cạnh đó, khi chọn bỉm các mẹ nên chọn đúng kích cỡ phù hợp với cân nặng để dễ dàng cho con khi nằm và di chuyển. Mẹ nên thay bỉm cho con thường xuyên. Bình thường, sau khoảng 4-5 tiếng mẹ nên kiểm tra và thay bỉm cho trẻ.

Khi thay nên lau sạch vùng bẹn, mông của trẻ bằng nước ấm và để khô thoáng khí, “có thể sử dụng một số loại thuốc chống hăm (có chứa oxide kẽm) để ngăn cách làn da em bé với bề mặt bỉm nhằm phòng chống, hạn chế bệnh hăm cho trẻ”, bác sĩ Ngọc Lan chỉ rõ cách sử dụng bỉm an toàn cho trẻ.

Thời gian sử dụng bỉm phụ thuộc hoàn toàn vào thói quen vệ sinh của trẻ. Khi trẻ làm chủ được cơ tròn, cha mẹ có thể ngừng sử dụng bỉm. 

“Việc luyện cho bé đi tiểu có thể bắt đầu khi bé khoảng 1 tuổi, nhưng không nên đánh thức bé giữa ban đêm để cho trẻ đi tiểu. Bởi, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Ngừng sử dụng bỉm sớm sẽ tiết kiệm chi phí cho gia đình cũng như rèn được tính vệ sinh cho trẻ”, bác sĩ Ngọc Lan cho hay.

Đeo bỉm không làm chân bé bị vòng kiềng

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến chân trẻ bị vòng kiềng. Trong đó, nguyên nhân chính là trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D; cũng có thể do trẻ tập đứng, tập đi quá sớm; hoặc do trẻ béo phì, có cân nặng quá tải so với đôi chân khiến hệ xương non nớt của bé không chịu được sức nặng của cơ thể đè xuống… Việc đeo tã, bỉm không hề liên quan đến việc chân trẻ có bị vòng kiềng hay không.

 

Thanh Yến (T/h)
Theo Đời sống Plus //