Thực hư tin "tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12"
Trước một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT "bắt buộc" học sinh lớp 3-12 học tiếng Hàn, tiếng Đức từ năm học sắp tới, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, thông tin này là sai hoàn toàn bản chất vấn đề.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và môn tiếng Đức. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức được Bộ GD-ĐT xác định là ngoại ngữ sẽ được dạy thí điểm trong chương trình giáo dục phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Cụ thể, nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Đức, tiếng Hàn thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được dạy thí điểm cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trong năm học tới. Ảnh minh hoạ.
Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, hai bộ môn ngoại ngữ này học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng ngoại ngữ trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
Ngoài ra, giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức, tiếng Hàn, góp phần hình thành thái độ và tình cảm tích cực đối với các nền văn hóa này, từ đó giúp họ thêm trân trọng giá trị văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng và động lực để học sinh tự học, tự rèn luyện phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết phục vụ sở thích cá nhân và nghề nghiệp trong môi trường giao tiếp liên văn hóa như trung thực, tôn trọng, hợp tác, không kỳ thị...
Trước thông tin hiện nay một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT bắt buộc học sinh lớp 3 đến lớp 12 học tiếng Hàn, tiếng Đức từ năm học sắp tới, sáng 4/3, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, thông tin này là sai hoàn toàn bản chất vấn đề.
"Đây là chương trình Bộ GD-ĐT mới tổ chức thí điểm, học sinh có thể đăng ký tham gia học hoặc không học cũng không sao. Tất nhiên ở nơi triển khai dạy tiếng Hàn, tiếng Đức phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên", ông Thành nhấn mạnh.
Về nội dung, ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5), chương trình giúp học sinh sử dụng được những cách diễn đạt thông dụng trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến bản thân (ví dụ: bản thân và gia đình, mua sắm, công việc, môi trường xung quanh), bước đầu hình thành những kiến thức về đất nước, con người và văn hóa khu vực các quốc gia nói tiếng Đức, Hàn.
Học sinh có thể giao tiếp được trong những tình huống đơn giản, quen thuộc, liên quan đến việc trao đổi thông tin một cách giản đơn và trực tiếp về những vấn đề gần gũi và thường xuyên diễn ra trong cuộc sống.
Ở cấp THCS, giúp học sinh có kiến thức cơ bản bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, sử dụng tiếng Đức, tiếng Hàn như một công cụ giao tiếp đáp ứng được nhu cầu giao tiếp cơ bản trong những tình huống gần gũi, quen thuộc, có những hiểu biết cơ bản về đất nước, con người và nền văn hóa khu vực nói tiếng Đức, Hàn.
Ngoài ra, việc học bước đầu hình thành một số chiến lược học ngoại ngữ để có thể tiếp tục phát triển năng lực tiếng Đức, tiếng Hàn ở những bậc cao hơn.
Ở cấp THPT, giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp dựa trên nền tảng chương trình đã được học ở các cấp dưới, trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng để học tập suốt đời, phát triển năng lực làm việc trong tương lai.