Thủ tục nhận tiền hỗ trợ nhà bị sập do thiên tai, bão lũ

09-11-2020 10:46:25

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10.

Theo đó, Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính Phủ quy định hỗ trợ các hộ gia đình thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020, với mức hỗ trợ như sau:

Đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn: Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ. Đối với nhà bị hư hỏng nặng: Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ. Căn cứ mức độ thiệt hại về nhà ở và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách của mình và huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để quyết định mức hỗ trợ cho các hộ dân cho phù hợp.

 Ảnh minh họa

Trong đó, trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013. Cụ thể, thủ tục xem xét hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở thực hiện theo quy định sau đây:

Hộ gia đình có Tờ khai đề nghị hỗ trợ về nhà ở theo mẫu do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Trưởng thôn, bản, phum, sóc… lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói cần hỗ trợ theo mẫu do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định. Trưởng thôn chủ trì họp với đại diện của các tổ chức có liên quan trong thôn để bình xét hộ gia đình, số người trong hộ gia đình thiếu đói gửi Chủ tịch UBND cấp xã.

Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, Hội đồng xét duyệt thống nhất danh sách hộ gia đình và số người thiếu đói, trình Chủ tịch UBND cấp xã quyết định. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp thiếu nguồn lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Khi nhận được hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện ngay việc trợ giúp cho đối tượng bảo đảm đúng quy định. Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ, UBND các cấp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả hỗ trợ.

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) riêng trong tháng 10/2020, thiên tai xảy ra dồn dập, liên tiếp với 04 cơn bão (số 6, 7, 8 và 9), 01 vùng áp thấp và 01 ATNĐ ảnh hưởng đến đất liền và 02 đợt mưa lũ lớn lịch sử, kéo dài tại khu vực miền Trung từ ngày 06-13/10 và từ ngày 16-20/10, trong đó thiệt hại do 02 đợt mưa lũ và bão số 9. Tính đến ngày 06/11/2020, mưa lũ tại khu vực miền Trung đã gây thiệt hại như sau:

Về người, 154 người chết, mất tích, trong đó 138 người chết,16 người mất tích (lũ 65; sạt lở đất 64; nguyên nhân khác 25) và 398 người bị thương. Về nhà ở, 6.235 nhà sập đổ, hư hỏng, 377.556 lượt nhà bị ngập. Về nông nghiệp, 16.692 ha lúa và hoa màu; 105.090 tấn lương thực bị ướt, cuốn trôi; 2.683.553 con gia súc, gia cầm chết.

Về thủy lợi, 121 km đê kè; 264km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 73,5km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Về giao thông, 576 km đường giao thông bị sạt lở, khoảng 1,56 triệu m3 đất, đá sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế ban đầu khoảng 15.469 tỷ đồng.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //