Thứ quý nhất của đời người là sức khỏe và bài học từ Nhật Bản về Luật Dinh dưỡng học đường

23-09-2024 21:43:58

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Anh hùng Lao động Thái Hương đã có những hiến kế tâm huyết cho công cuộc cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc người Việt, xuất phát từ quan điểm thứ quý giá nhất đời người là sức khỏe.

Sáng 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các doanh nghiệp tham dự gồm: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, Tập đoàn TH, Cơ điện lạnh (REE).

Trong các góp ý, hiến kế tại hội nghị, đại diện Tập đoàn TH gây chú ý với đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, nhằm cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung.

 

Thứ quý nhất của một đời người là sức khỏe và bài học từ Nhật Bản

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp sáng 21/9.

Đứng trước thực trạng đó, Nhà sáng lập Tập đoàn TH và thương hiệu TH true MILK chia sẻ quan điểm rằng sức khỏe là tài sản quý nhất của mỗi người, đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia. Trong đời người thì 0 đến 12 tuổi là giai đoạn “vàng” để bồi đắp những nền tảng thể lực, trí lực, tạo sức bật cho sức khỏe về sau, trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hàng đầu. 

“Nhật Bản từ năm 1954 đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Để rồi 70 năm sau không còn cụm từ “Nhật lùn” nữa. Tôi có một khát vọng, trăn trở là làm thế nào để con trẻ có nguồn dinh dưỡng và nguồn sữa tươi trong bữa ăn học đường chuẩn chỉ nhất, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0-12. Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời” – bà Thái Hương phát biểu.

Hiện nay tồn tại tình trạng chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả để đưa các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn vào các trường học. Các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học đã có nhưng tản mạn chứ chưa tập hợp thành luật riêng, đồng thời khâu giám sát không chặt chẽ dẫn tới phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển thể chất của con trẻ.

Từ tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt và bề dày kinh nghiệm của mình trong công cuộc này, Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng mang tên Luật Dinh dưỡng học đường, theo kinh nghiệm các nước đã thành công trong đó Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng. 

“Cần phải có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe tầm vóc của thế hệ tương lai” – Bà Thái Hương nhấn mạnh. 

Nhà sáng lập Tập đoàn TH bày tỏ: “Cảm ơn Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã có những chỉ đạo sát sao về dinh dưỡng và sức khỏe học đường. Rất mong trong thời gian tới các cơ quan hữu quan sẽ hiện thực hóa những đề xuất về Luật Dinh dưỡng học đường. Những năm qua các bộ ban ngành đã thực hiện rất nhiều chương trình, đề án, các mô hình điểm với những hoạt động thực nghiệm, thực tiễn chỉn chu có sự tư vấn của các chuyên gia độc lập, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế…, đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét xây dựng Luật này”.

Đã có nền tảng thực tiễn cho đề xuất xây Luật Dinh dưỡng học đường

Đề xuất của Anh hùng Lao động Thái Hương và Tập đoàn TH về xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường được đưa ra trong bối cảnh đã có căn cứ, thực tiễn từ các nghiên cứu thực nghiệm bài bản của các cơ quan như Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2013, Viện dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Pháp, phối hợp với TH, xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, thực hiện tại 15 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Nghiên cứu này được đánh giá là nghiêm túc, khoa học và có triển khai những nhóm đối chứng minh bạch, có đánh giá khẩu phần và thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa. 

Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK sử dụng trong nghiên cứu là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) để thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”. 

Mô hình điểm bữa ăn học đường được thực hiện tại 10 tỉnh, thành tại đủ 5 vùng sinh thái trên cả nước, góp phần cung cấp nền tảng khoa học, thực tiễn cho chính sách về dinh dưỡng học đường.

Mô hình điểm được triển khai trong năm học 2020 - 2021 tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước, bao gồm: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Bữa ăn học đường trong Mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi nguyên chất được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học. 

Can thiệp chính của mô hình là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, bữa phụ sử dụng 1 ly sữa tươi nhằm cải thiện khẩu phần canxi đồng thời cung cấp các dưỡng chất có sẵn trong sữa, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất.

Một trong những kết quả nghiên cứu cho thấy Mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với việc cung cấp vi chất dinh dưỡng cho trẻ.

Kết quả của mô hình điểm đã cho thấy bữa ăn học đường đa dạng, khoa học, hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ và đây có thể là giải pháp lâu dài, bền vững trong công cuộc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. 

“Trẻ em lứa tuổi học đường rất cần vi chất nhưng hãy bổ sung các vi chất tự nhiên, đó là các vi chất có trong sữa tươi nguyên chất và trong các thực phẩm tự nhiên tươi ngon nhất, mùa nào thức nấy và theo lợi thế vùng miền”, bà Thái Hương chia sẻ. Theo bà, việc tận dụng các lợi thế rau củ quả, thực phẩm tự nhiên của vùng miền còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng miền đó. 
Cơ sở lý luận, kinh nghiệm và thực tiễn triển khai các nghiên cứu, mô hình mang tới kết quả thực nghiệm đã phần nào khẳng định Luật Dinh dưỡng học đường cần được xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu, cần bao trùm nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Trước hiến kế của các doanh nghiệp lớn đóng góp để phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong đó có các nhiệm vụ như xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện,… cũng như đề cập các vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao thể chất người dân…

Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

 

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //