Thông tin mới nhất về siêu bão Surigae giật trên cấp 17 đang hoạt động gần Biển Đông
Siêu bão Surigae gió giật trên cấp 17 di chuyển khá chậm trên vùng biển miền Trung Philippines và khả năng đổi hướng trong vài ngày tới.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của siêu bão Surigae. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (19/4), siêu bão Surigae đang ở cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km.
Đến 7 giờ ngày 20/4, siêu bão ở cách đảo Lu-dông (Phiippines) khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão giảm xuống còn cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần.
Đến 7 giờ ngày 21/4, tâm siêu bão còn cách phía Bắc đảo Lu-dông khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão tiếp giảm xuống, mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, siêu bão Surigae tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thêm.
Cơ quan khí tượng nhận định, siêu bão Surigae sẽ không đi vào Biển Đông. Tuy nhiên, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá, Surigae là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm. Trường hợp thay đổi hướng, siêu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Biển Đông, nơi có nhiều tàu thuyền khai thác hải sản đang hoạt động.
Vì vậy, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, Văn phòng thường trực đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau cần theo dõi chặt chẽ các bản tin về siêu bão Surigae; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng thời, duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; Tổ chức trực ban, thường xuyên tổng hợp báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo.