Thông gia từ mặt, con trẻ bơ vơ sau thảm án chồng giết vợ rồi thả xác trôi sông
Từ ngày vụ án xảy ra, đôi bên thông gia ít qua lại với nhau, nếu có vô tình gặp nhau ngoài đường họ cũng chỉ lườm nguýt nhau như kẻ thù.
Án mạng rúng động làng quê
Xã Bách Thuận – huyện Vũ Thư (Thái Bình) từ bao đời nay tuy nghèo khó nhưng rất đỗi bình yên.
Chính vì vậy vụ việc chị Trịnh Thị Mến (SN 1979) bị chồng là anh Nguyễn Văn Hảo (SN 1977) sát hại rồi ném xác xuống sông phi tang cho đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với mỗi người dân nơi đây.
Mặc dù vụ án đã khép lại được hơn 1 năm, kẻ thủ ác cũng đã phải đền tội, thế nhưng những dư âm mà vụ án để lại không khiến cho nhiều người phải xót xa. Đó là cảnh con mất cha mẹ, gia đình thông gia hận thù nhau.
Để tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới vụ án này PV đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thanh (bố đẻ Nguyễn Văn Hảo).
Ông Nguyễn Văn Thanh kể lại vụ việc. Ảnh: Nguyễn Duẩn
Ông Thanh cho biết năm 1997 con trai ông và chị Trịnh Thị Mến vượt qua mọi sự ngăn cấm của hai gia đình đi đến kết hôn và chung sống với nhau đến khi vụ án xảy ra được 18 năm.
Những ngày đầu khi mới cưới, vợ chồng Hảo tu chí làm ăn, sống với nhau rất hạnh phúc, niềm vui nhân lên khi chị Mến sinh hạ hai cậu con trai kháu khỉnh là cháu Nguyễn Văn Hướng (học lớp 11) và Nguyễn Văn Huân (học lớp 8).
“Những ngày đầu sau khi chúng nó kết hôn gia đình tôi cũng không chấp nhận, nhưng sau khi vợ chồng nó cưới nhau về sinh sống hoà thuận, chăm chú làm ăn nên mọi định kiến trước đây tôi không để ý đến nữa mà cố gắng giúp đỡ vợ chồng nó.
Năm 2008, sau khi cưới nhau, chúng nó lao động vất vả nhưng vẫn không đủ ăn, lại thêm việc hai con nhỏ chào đời khiến cho cuộc sống càng túng quẫn.
Con Mến bàn với chồng xin phép gia đình hai bên đi xuất khẩu lao động để cải thiện cuộc sống, có thêm đồng ra, đồng vào lo cho con cái sau này. Gia đình tôi và bố mẹ con Mến đồng ý và giúp thằng Hảo chăm lo cho hai đứa con”.
Gạt dòng nước mắt ông Thanh nghẹn ngào kể tiếp: “Con Mến đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan lần đầu từ tháng 1 năm 2008 đến mãi tháng 12 năm 2011.
Sang bên đó nó cũng nhiều lần điện về là nhớ chồng nhớ các con nhưng vợ chồng tôi cũng động viên nó cố gắng, mọi chuyện ở nhà có gia đình 2 bên lo liệu.
Từ ngày nó đi làm bên đấy, tháng nào cũng nó cũng gửi tiền về cho chồng nuôi hai con. Thằng Hảo nhà tôi ngoài làm đồng cũng đi làm thêm nghề cửu vạn nên cuộc sống cũng bớt cực nhọc. Ai trong làng cũng đều nói gia đình tôi có phúc, lấy được cô con dâu biết chăm lo”.
Theo lời ông Thanh, mâu thuẫn gia đình bắt đầu xảy ra khi chị Mến kết thúc đợt xuất khẩu lao động về nước.
Hảo thấy cuộc sống gia đình đã ổn định nên bàn với vợ không đi đợt tiếp theo nữa mà ở nhà cùng nhau nuôi nấng con cái và chăm sóc gia đình hai bên.
Chị Mến thì nhất quyết đi vì cho rằng 1 tháng làm bên đó còn hơn 1 năm làm nông nghiệp ở nhà và không còn quen với việc nhà nông nữa, khuyên can không được, hai vợ chồng chuyển sang cãi vã.
Căn nhà 2 tầng khang trang nơi Hảo hạ sát chị Mến. Ảnh: Nguyễn Duẩn
Sau khi ăn Tết, chị Mến trốn gia đình đi xuất khẩu lao động đợt 2 ở Ma Cao từ tháng 4 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013. Đi đợt 2 này, chị Mến ít khi gọi điện về cho chồng cũng như bố mẹ hai bên, có gọi điện cho chồng thì cũng chỉ cãi vã.
Mâu thuẫn với vợ nhưng hàng ngày Hảo vẫn hết sức chăm lo cuộc sống gia đình, họ hàng hai bên lo liệu ổn thoả không làm mất lòng ai. Dịp Tết âm lịch năm 2013, Mến về nước sau khi kết thúc lần thứ 2 đi xuất khẩu lao động.
Về quê hương, Mến thay đổi hẳn tính tình, không còn quan tâm đến gia đình bên chồng như trước, các con cũng bỏ mặc mà đi chơi tối ngày. Mỗi khi giận chồng Mến sang bên bạn hay về nhà bố mẹ đẻ ở cả tháng không chịu về.
Tháng 2 năm 2014, chị Mến tiếp tục đăng kí đi xuất khẩu lao động bên Trung Quốc mà không nói cho chồng và bên gia đình nhà chồng biết. Tháng 12 năm 2014 khi trở về nước, chị Mến không tu chí làm ăn như trước nữa mà chơi bời tối ngày.
Người dân còn đồn là chị Mến cặp bồ với một người ở thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). Tin đồn đến tai Hảo cộng thêm những mâu thuẫn không thể giải quyết được nên hai người đã đưa nhau ra toà ly hôn.
Cháu Nguyễn Văn Hướng (con trai lớn của nạn nhân) cũng cho biết thêm: “Buổi trưa ngày xảy ra vụ án, mẹ cháu đi chơi ở đâu về thì bố cháu có hỏi tiền để đóng học cho hai anh em, mẹ nói xúc phạm bố, bố quay ra tát mẹ 2 cái.
Đến đêm, cháu và em trai đi chơi về, em trai cháu vào nhà hỏi: “Bố ơi mẹ đâu”? “Sao nhà lại có mùi tanh thế”? Thấy vậy bố lớn tiếng quát im ngay không tao giết cả mày bây giờ.
Tiếp đó bố đuổi anh em cháu ra ngoài rồi làm gì không rõ. Đến sáng hôm sau thì bà ngoại báo tin mẹ cháu bị người ta đánh chết rồi quăng xuống sông”.
Di ảnh chị Mến tại nhà riêng. Ảnh: Nguyễn Duẩn
Thông gia từ mặt, con trẻ bơ vơ
Ông Thanh cho biết, kể từ khi vụ án mạng xảy ra, vợ chồng ông và gia đình thông gia không qua lại với nhau lần nào.
“Vẫn biết mọi nghiệp chướng đều là do con mình gây nên, là bậc sinh thành nên chúng tôi cũng có đến tạ lỗi, hy vọng đôi bên gia đình chung tay nuôi nấng các cháu nhưng ông bà thông gia không đồng ý, đau xót lắm chứ chú”.
Người cha khốn khổ thông tin thêm, đến ngày giỗ con dâu, ông đều phải đợi gia đình bên thông gia đến nhà riêng của con trai làm lễ xong xuôi rồi mới lặng lẽ mua hoa quả, tuần nhang về thắp hương cho con dâu.
Chứng kiến cảnh người đàn ông tuổi đã gần thất thập hàng ngày phải chạy ăn từng bữa nuôi hai đứa cháu nội ai cũng phải yếu lòng.
Ông nghẹn ngào: “Nó có tội nó phải đền tội với pháp luật, chỉ mong miệng lưỡi thế gian đừng dè bỉu, mong nó cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. Tôi cũng già rồi, không biết còn sống để nuôi hai cháu trưởng thành không”.
Về phía gia đình ông Trịnh Văn Đấu (bố đẻ nạn nhân Mến), ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông đã có đơn lên công an tỉnh Thái Bình yêu cầu xử đúng người đúng tội và tuyên bố sẽ “từ mặt” gia đình thông gia.
Từ ngày con gái ra đi, vợ ông Đấu luôn trong trạng thái hoảng loạn. Ảnh: Nguyễn Duẩn
Bên cạnh đó gia đình ông cũng kiên quyết không tha thứ cho Hảo. Ông cho hay: “Từ ngày con tôi ra đi, đêm nào vợ tôi cũng nằm mơ, kêu khóc thảm thiết như bị động kinh, tôi thì cũng đau buồn, chả làm được việc gì, chỉ biết ôm ảnh con mà khóc”.
Ông Trịnh Văn Đấu không thể tin rằng con gái bị sát hại dã man vậy. Ảnh: Nguyễn Duẩn
Chứng kiến thảm kịch xảy ra tàn khốc, những người dân ở xã Bách Thuận không khỏi xót xa cho hai đứa trẻ mất mẹ, bố thì trong cảnh tù tội.
Những ngày đầu khi vụ việc mới xảy ra, 2 đứa trẻ không dám đến trường vì sợ bạn bè dè bỉu, cười chê.
“Có động viên thế nào các cháu cũng không dám đi học, chúng bảo đến lớp bạn bè hay chỉ trỏ rồi bàn tán này nọ. Trong lớp cũng không bạn nào dám ngồi cùng.
Gia đình, thầy cô giáo đến tận nhà động viên các cháu mới chịu đi học trở lại, tuy nhiên sức học giảm sút thấy rõ”. Ông Thanh chua chát kể.
Hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp hai anh em Hướng và Huân lại ở nhà ông bà nội, phụ giúp ông bà công việc trong gia đình.
“Cháu cùng anh vẫn phụ giúp ông bà, nhà cháu giờ cháu không dám về, đi ra ngoài đường các cô các bác có hỏi cháu chỉ biết khóc thôi.
Mấy năm nay mẹ cháu đi xuất khẩu lao động, ít khi ăn cơm với bố con cháu, giờ mẹ cháu mất rồi, mỗi ngày cháu đều thổi cơm cúng mẹ, cháu nhớ bố, chỉ mong bố sớm về với anh em cháu”, cháu Huân nức nở kể.