Thêm nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2023

17-01-2023 06:44:30

Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023; trong đó giảm tỷ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa/internet

Theo thông báo của Trường ĐH Ngoại thương, năm 2023 nhà trường áp dụng 6 phương thức tuyển sinh chính quy gồm: xét học bạ THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả học tập; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo các tổ hợp môn, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do 2 ĐH Quốc gia tổ chức; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương có thêm hai ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và chương trình Kinh tế chính trị quốc tế. Tổng chỉ tiêu cho cả ba cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh là 4.100, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2022.

Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7.500 chỉ tiêu ĐH chính quy, với 6 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 65%); xét học bạ THPT (chỉ tiêu dự kiến 15%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 10%).

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Trường ĐH Y tế công cộng tuyển sinh dự kiến 805 chỉ tiêu, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường này tuyển sinh 7 ngành, trong đó Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển nhiều nhất, 215 chỉ tiêu, Y tế công cộng 190 chỉ tiêu và Kỹ thuật phục hồi chức năng 130 chỉ tiêu.

Trường giữ 4 phương thức tuyển sinh như năm 2022 gồm: xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Phương thức dùng điểm đánh giá năng lực chỉ dùng để tuyển ngành Khoa học dữ liệu, ba phương thức còn lại áp dụng với tất cả 7 ngành.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng 100 chỉ tiêu, dành 25% chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Trường tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (25%), xét tuyển điểm thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức với 7 mã tuyển sinh bao gồm: Thống kê kinh tế, Toán kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Định phí bảo hiểm và QTRR, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh: 3%.

Năm nay, trường sẽ xét tuyển kết hợp (70% tổng chỉ tiêu). Phương thức này áp dụng xét với tất cả các mã ngành/chương trình tuyển sinh năm 2023 với 5 nhóm sau: Thí sinh có chứng chỉ SAT và ACT (3% chỉ tiêu), thí sinh điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (đạt từ 85 điểm), ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (đạt từ 700 điểm) (17-20%), thí sinh có chứng chỉ IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kỹ năng kết hợp điểm thi đánh giá năng lực.

Cùng với đó, trường xét các thí sinh có chứng chỉ IELTS/ TOEFL iBT/ TOEIC 4 kỹ năng kết hợp điểm thi 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2023 ( 20% chỉ tiêu), thí sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên kết hợp điểm thi 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2023 (10% chỉ tiêu).

Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên khu vực.

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại //