Thay xương bả vai nhân tạo cho cậu bé 12 tuổi bị ung thư
Các bác sĩ Bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật thay toàn bộ xương bả vai cho bệnh nhi 12 tuổi bị ung thư. Đây là ca thay xương bả vai nhân tạo thứ 2 trên thế giới bằng vật liệu này.
Mới đây, theo thông tin đăng tải trên báo GĐ&XH, Bệnh viện K cho biết vừa qua đã phẫu thuật thay xương bả vai nhân tạo thành công cho nam bệnh nhân 12 tuổi. Theo đó, từ tháng 1/2020, bệnh nhi xuất hiện sưng nhẹ và đau âm ỉ vai trái. Sau đó, bệnh nhi đi khám được phát hiện u xương vai. Bệnh nhân tiếp tục khám tại Bệnh viện K cho kết quả khối sưng nề vùng vai trái, ấn đau tại chỗ, hạn chế vận động vai trái do đau.
Ngày 14/2, bệnh nhi được làm sinh thiết tại Bệnh viện K và kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh type kém biệt hoá. Trên cộng hưởng từ phát hiện Khối ngấm thuốc mạnh, mất liên tục bỏ xương, xâm lấn phần mềm lân cận, kt 5 x 10 cm. Xạ hình xương chưa phát hiện tổn thương di căn xa.
Bệnh nhi được chuyển khoa Nhi điều trị hoá chất bốn chu kỳ. Sau điều trị khối u co nhỏ, bệnh nhân đỡ đau, vận động vai tốt và được xếp lịch phẫu thuật. Ngày 17/8, kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Trần Trung Dũng, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, ê kip Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao Bệnh viện Tâm Anh cùng Bệnh viện K, cắt bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u, thay thế bằng xương bả vai nhân tạo được in 3D với vật liệu PEEK.
Một ngày sau mổ, bệnh nhi ngồi dậy được, vận động vai nhẹ nhàng theo hướng dẫn. Tiến triển các ngày sau mổ thuận lợi, không có biểu hiện nhiễm trùng, biên độ vận động cải thiện dần. PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết, kết quả bước đầu của ca phẫu thuật cho bệnh nhi này khả quan với các yêu cầu về giải phẫu và thẩm mỹ cũng như chức năng.
Được biết, bé trai là trường hợp thứ hai tại Việt Nam được thay xương bả vai nhân tạo, đồng thời bệnh nhân nhỏ tuổi nhất. Trước đó, một nữ giáo viên 43 tuổi ở Thái Nguyên được thay xương bả vai. Thế giới từ lâu đã ứng dụng kỹ thuật tạo hình xương bả vai, riêng châu Á chỉ mới hơn 10 ca được thay thế xương bả vai nhân tạo.
Xương bả vai nhân tạo làm bằng vật liệu sinh học PEEK. Ảnh: Nhân dân
Theo TS Dũng, ung thư xương bả vai khá hiếm gặp nhưng lại là thách thức rất lớn với các bác sĩ trong điều trị, không chỉ đơn thuần là điều trị ung thư cắt bỏ khối u triệt để mà còn phục hồi hoặc thay thế các phần chi thể bảo đảm chức năng vô cùng quan trọng của xương bả vai trong vận động khớp vai, thẩm mỹ cơ thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Sự hiếm gặp của tổn thương u xương bả vai kèm theo cấu trúc phức tạp về giải phẫu và chức năng làm cho việc cân nhắc tạo hình lại xương bả vai cho các bệnh nhân ung thư đôi khi đi vào bế tắc và không có giải pháp.
Một trong những khó khăn khi thực hiện phẫu thuật là xương bả vai nhân tạo không sẵn có do cấu trúc giải phẫu mỗi người khác nhau vì vậy phẫu thuật phục hồi lại đòi hỏi việc sản xuất riêng theo thông số của bệnh nhân mà khả năng ở Việt Nam trước đây chưa thể đáp ứng ngay được.
Trao đổi với báo Nhân dân, giáo sư Trịnh Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu vật liệu y sinh, công ty cổ phần công nghệ y sinh Ngọc Bảo cho biết, vật liệu PEEK được sử dụng từ những năm cuối của thập kỷ 70 và đến năm 1997 thì chính thức được FDA Mỹ cấp phép sử dụng như một vật liệu sinh học sử dụng trong y học với hàng loạt các ứng dụng.
Với những ưu điểm như độ cứng, độ đàn hồi, trọng lượng tương tự như xương người. Quan trọng hơn nữa, với nhiệt độ nóng chảy của PEEK vào khoảng 400 độ C nên khả năng in 3D dễ phổ biến và đạt hiệu quả cao.
Tại Việt Nam, năm 2012, vật liệu PEEK chính thức được Bộ Y tế cấp phép sử dụng như một vật liệu dùng trong lĩnh vực y sinh. Công nghệ in 3D với vật liệu PEEK đã được Viện thực hiện với nhiều sản phẩm khác nhau như mảnh ghép hộp sọ, lồi cầu xương hàm dưới, các mảnh ghép cho vùng hàm mặt tuy nhiên đây là lần đầu tiên công ty thực hiện một sản phẩm giải phẫu hoàn chỉnh với độ phức tạp của thiết kế và yêu cầu của độ chính xác cao hơn rất nhiều.