Thành trì Mosul sụp đổ tan tác, ngày tàn của IS thực sự đã đến?

10-07-2017 19:48:06

Ngày 9/7, Iraq tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn Mosul - thành trì quan trọng nhất của IS và tiêu diệt những tên khủng bố cuối cùng ở thành phố này.

Gần 3 năm trước, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đứng trên bục của Đại giáo đường Al-Nuri xây từ thời Trung cổ ở thành phố Mosul, tuyên bố lập "Nhà nước Hồi giáo" sau khi quân khủng bố IS chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria.

3 năm sau, thành phố lớn thứ hai Iraq hầu như thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ, quân khủng bố IS chỉ còn “thủ phủ” tự xưng Raqqa ở Syria và những vùng sa mạc phía tây Iraq. Baghdadi hoàn toàn mất tăm, có tin rằng hắn đã bị giết.

Đại giáo đường Al-Nuri bị tàn phá nặng nề, dân Mosul phải trả một cái giá quá đắt, hàng ngàn người bị bọn IS đòi thánh chiến Jihad giết hoặc làm bị thương. Họ còn phải chịu đựng những đợt dội bom của liên quân chống khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu, hoặc bị giết khi bị kẹt trong những cuộc đấu súng trên đường phố giữa bọn IS với quân đội Iraq.

Binh sĩ Iraq ăn mừng sau chiến thắng khủng bố ở Mosul. Ảnh: The Guardian

Khoảng 1 triệu cư dân thành phố này phải sơ tán, nhiều người bị bệnh hoặc bị suy dinh dưỡng. Những tội ác của bọn khủng bố IS ở Mosul và nơi khác khiến chúng bị thế giới lên án.

Công việc tái thiết thành phố sẽ là một thử thách lớn, IS trước khi thất thủ đã gài mìn khắp thành phố, trên từng con đường, trong từng căn nhà, theo lời một người lính giải phóng Mosul. Để tái thiết, trước hết phải gỡ sạch mìn và phòng chống nguy cơ bọn khủng bố IS gây rối bằng các cuộc đột kích, hoặc tấn công khủng bố để trả thù cho vụ thất thủ.

Liên Hợp Quốc đã ước tính kinh phí tái thiết, sửa chữa cơ sở hạ tầng cơ bản ở Mosul có thể tốn hơn 1 tỉ USD, trong khi việc tái thiết dài hạn có thể tốn hàng tỉ USD nữa. Cuộc tái thiết này sẽ mất nhiều năm trong điều kiện hòa bình, trong khi đó vẫn còn những cuộc đấu súng trong ngày 9/7 vừa qua.

Mosul tan hoang sau nhiều năm bị khủng bố IS chiếm đóng. Ảnh: The Telegraph

Ở thời điểm hiện tại, khủng bố IS mất đi phần lớn lãnh địa nhưng cần nhớ rằng, tư tưởng cực đoan của chúng không hề biến mất. Mâu thuẫn sắc tộc giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite, người Kurd, phiến quân do Iran hậu thuẫn vẫn rất sâu sắc.

Tổ chức khủng bố này sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng cực đoan lên mạng xã hội. Chúng sẽ phát động những cuộc thánh chiến khác. IS có thể bị tiêu diệt phần nào ở Tây Á, nhưng cần nhớ rằng có hàng trăm ngàn người khác ủng hộ quan điểm của khủng bố IS đang sinh sống ở châu Âu. Những nhóm người này hoàn toàn có thể “cải đạo”, thề trung thành với tổ chức khủng bố IS và điều tồi tệ sẽ xảy ra.

Tờ Guardian khẳng định rất nhiều phiến quân quốc tế dưới trướng của IS đã kịp thời rút lui về châu Âu khi thấy tình hình ở Iraq và Syria quá bất ổn. Mosul được giải phóng là điều tốt, IS bị tiêu diệt cũng là điều không thể tốt hơn. Vậy nhưng, tư tưởng cực đoan và khủng bố không chết trong một ngày và nó sẽ lại nở rộ trong thời gian tới.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //