Thanh tra việc bán bảo hiểm chéo của 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 06 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 02 DNBH nhân thọ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo số 48/BC-BTC về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo cho biết trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 DNBH nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ).
Lộ nhiều sai phạm tại các doanh nghiệp bảo hiểm
Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 06 DNBH, trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 02 DNBH nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).
Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance: Sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Từ đó Bộ Tài chính kiến nghị xử lý, về tài chính: tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng.
Về hành chính: xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 DNBH, phạt tiền 310 triệu đồng.
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; Biện pháp khắc phục hậu quả: Khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Theo thống kê mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020.
Tính đến cuối năm 2023, các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các DNBH ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nói do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Cùng với đó, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (“Bancassurance”). Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.
Hồi tháng 1, cụ thể vào ngày 15/1, khi Góp ý dự Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã quan tâm đến câu chuyện khách hàng vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ.
Trong đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đã đưa ra 3 vấn đề liên quan đến bán chéo bảo hiểm, đó là mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với hai loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 40% phí bảo hiểm năm đầu; Các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý, ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2-4% giá trị khoản vay; Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.