Thái Nguyên: Công ty Thái Hưng và chiêu bài thâu tóm 22,6 ha 'đất vàng' tại Gia Sàng

01-06-2018 16:48:04

Nửa năm sau khi nhận bàn giao 22,6 ha đất cùng toàn bộ tài sản của nhà máy thép Gia Sàng với cam kết đưa công ty này hoạt động trở lại, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng bất ngờ “khai tử” nhà máy để chuyển sang xây dựng trung tâm thương mại Thái Hưng Eco City.

Nhà máy thép Gia Sàng trước khi bị phá dỡ

Nhà máy thép Gia Sàng trước nguy cơ sụp đổ…

Ra đời ngay sau sự kiện thống nhất đất nước, ngày 1/5/1975, Nhà máy cán thép Gia Sàng đã cho ra mẻ thép đầu tiên. Sau 40 năm thăng trầm, biểu tượng của ngành luyện thép một thời dần đã tụt dốc không phanh ngay khi vừa cổ phần hóa.

Những nhà xưởng không một bóng người, những dây chuyền hoen gỉ nằm chơ vơ cùng năm tháng, và số nợ lên tới cả trăm tỷ đồng. Đầu năm 2013, thép Gia Sàng chính thức dừng hẳn sản xuất khiến hơn 300 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo Báo cáo số 139/BC-BCT (ngày 26/12/2014) của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (viết tắt là GSS), với việc kinh doanh thua lỗ đồng thời gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ ngân hàng, khách hàng, người lao động mà không có khả năng thanh toán, với định mức tiêu hao sản xuất cao, hàng hóa tiêu thụ chậm, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu,..., GSS đang đứng trên bờ vực phá sản.

Báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động nhà máy của Bộ Công thương 

Nội dung báo cáo thể hiện, việc thực hiện chế độ chính sách của Công ty vào thời điểm 30/4/2014, GSS có 274 lao động, đến ngày 20/10/2014 chỉ còn lại 244 lao động. Tính đến ngày 30/4/2014, GSS còn nợ tiền lương, tiền công của người lao động gần 11 tỷ đồng với số tiền nợ bảo hiểm là hơn 3,2 tỷ đồng. Công ty GSS hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Lỗ lũy kế đến năm 2013 là 139.067.000.000 đồng.

Trong nhiều năm, một số tài sản có giá trị lớn bị mất cắp, không có trong Công ty tại thời điểm kiểm kê ngày 21/8/2014, ước tính là 31.809.814.000 đồng. Trong đó, tài sản bị mất cắp phá hoại là 2.862.494.000 đồng.

Bộ Công thương đã đề nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra Bộ Công an theo dõi mở rộng điều tra làm rõ sự vụ, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Sau đó, đã phạt tù giam 5 đối tượng, trong đó có một phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc, người nắm giữ cổ phần chi phối Công ty Gia Sàng.

Và sự “giải cứu” của Công ty Thái Hưng

Năm 2013, Công ty Gia Sàng dừng mọi hoạt động sản xuất, kèm theo đó là số nợ phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Thái Nguyên và các khoản nợ khác. Do doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ trên nên năm 2014, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã tổ chức thi hành bản án theo Quyết định 07 của TAND thành phố Thái Nguyên.

Sau nhiều cuộc họp, các đơn vị liên quan đã thống nhất giải quyết thi hành án bằng cách bán đấu giá công khai toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp với điều kiện: tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) là đơn vị trúng đấu giá 56 tỷ đồng, cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu của người lao động, cũng như chủ trương của UBND tỉnh.

Tháng 12/2016, Thái Hưng đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại theo đúng cam kết trong sự hân hoan của toàn thể cán bộ công nhân viên. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép.

“Khai tử” nhà máy để làm trung tâm thương mại?

Trong khi dư luận vẫn chưa hết giật mình trước động thái bất ngờ của Công ty Thái Hưng, ngày 23/11/2017, UBDN tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng ban hành văn bản số 3669/QĐ-UBND (do ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký) về việc Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) ngay trên phần đất nhà xưởng cũ rộng 22,6 ha của nhà máy thép Gia Sàng.

Quyết định chủ trương đầu tư dự án Thái Hưng Eco City của UBND tỉnh Thái Nguyên

Quyết định nêu rõ, dự án có quy mô khoảng 34,19ha với các hạng mục chủ yếu như khu nhà phố thương mại, nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại... Diện tích sử dụng đất là khoảng 34,19ha trong đó phần diện tích đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cho Công ty Thái Hưng thuê tại Quyết định số 2448/QĐ-UBND ngày 23-9-2016 là 21,44 ha, phần diện tích mở rộng là 12,75 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.134 tỷ đồng với mục tiêu tạo ra khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, trường học và nhà ở văn minh hiện đại...

Cũng cần nói thêm, từ thời điểm cuối tháng 4/2017, Công ty Thái Hưng đã hoàn tất thương vụ mua vào 17.817.900 cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với giá bình quân 11.216 đồng/cổ phiếu và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng cổ phần sở hữu tại Tisco (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) từ 14,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,72%) lên 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 17,55%.

Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, Thái Hưng lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.

Ngày 29/6/2017, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Gang thép Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tisco.

Nhưng, đích ngắm của Thái Hưng có phải dừng lại ở việc thâu tóm và quản lý Tisco? Bởi, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn và còn đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện.

Nhiều luồng ý kiến cho rằng đây là động thái dọn đường để Thái Hưng tiến tới việc triển khai dự án trung tâm thương mại Thái Hưng Eco City (đã được chuẩn bị từ trước) khi Tisco đang là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (doanh nghiệp sở hữu 22,6 ha đất trung tâm TP Thái Nguyên) với 39,66% cổ phần.

Công ty CP Thương mại Thái Hưng có vốn điều lệ 1000 tỷ đồng, tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng được thành lập vào tháng 5/1993, hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính là sản xuất (phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng), kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng,...).

Người gây dựng nên Thái Hưng là bà Nguyễn Thị Cải và chồng là ông Nguyễn Quốc Thái. Riêng bà Cải được biết đến là người “đàn bà thép” có khả năng làm khuynh đảo thị trường nơi “đất thép” (Thái Nguyên).

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

 

Thanh Phong
Theo Đời sống Plus/GĐVN //