Tàu sân bay Mỹ cùng 40 nghìn binh lính sẽ tung chiêu gì để trấn áp Triều Tiên?
Với lực lượng hùng hậu, Mỹ có thể triển khai tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn một cuộc thử tên lửa tiếp theo.
Khoảng 37.500 binh lính, thủy thủ, phi công và thủy quân lục chiến thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) sẽ là những người ở đầu chiến tuyến làm nhiệm vụ bảo vệ cho Hàn Quốc trong trường hợp một cuộc chiến với Triều Tiên xảy ra.
Theo GlobalSecurity.org, nếu Bình Nhưỡng tiến vào khu DMZ, nước này sẽ vấp phải rào cản quân sự mạnh mẽ đến từ Mỹ với lực lượng đông đúc bao gồm 140 xe tăng M1A1, 170 xe bọc thép Bradley, 30 pháo tự hành 150mm, 30 pháo phản lực, một loạt tên lửa đối đất, đối không và 70 trực thăng AH-64.
USFK cũng được trang bị 100 máy bay, bao gồm 70 máy bay chiến đấu F-16, 20 máy bay tấn công chống tăng A-10, máy bay trinh sát U-2 và máy bay vận tải.
Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung tại thành phố Pocheon với Hàn Quốc. Ảnh: Internet
Hồi tháng Giêng, trong thời điểm căng thẳng với Triều Tiên, Lầu Năm Góc đã tuyên bố đã triển khai 24 máy bay trực thăng tấn công Apache đến căn cứ không quân Suwon sát thủ đô Seoul.
Mỹ đang có những máy bay ném bom sẵn sàng tấn công Triều Tiên từ căn cứ Guam nếu cần thiết, trong khi đó tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở gần bán đảo Triều Tiên và đã chuẩn bị một cặp tàu khu trục có khả năng phóng tên lửa Tomahawk.
Trong kịch bản đánh phủ đầu Triều Tiên, Mỹ luôn đề cao sức mạnh của phi đội chiến đấu cơ tàng hình và hệ thống tên lửa hành trình có thể dễ dàng hạ gục bất kỳ cơ sở nào có liên quan đến chương trình hạt nhân tại Bình Nhưỡng.
Mỹ có thể thả “sát thủ boongke” GBU-57 MOP thổi bay các mục tiêu trên mặt đất. Với việc điều hai tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang theo hơn 300 quả tên lửa BGM-109 Tomahawk bí mật tới bao vây bờ biển Triều Tiên, dàn trận với hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga đều được trang bị tên lửa hành trình, các cơ sở hạt nhân, bệ phóng tên lửa và phương tiện vận chuyển của Triều Tiên sẽ bị phá hủy.
Tàu sân bay Mỹ tiến về bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Internet
Tuy lý thuyết là vậy song trên thực tế, việc Washington muốn tấn công Triều Tiên không phải là một việc đơn giản. Các chuyên gia cho rằng nếu như Mỹ đơn phương tấn công Bình Nhưỡng, mà không có sự hợp lực từ các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì điều này có thể dẫn tới nhiều kịch bản nguy hiểm khó lường.
Không chỉ có Hàn Quốc lo ngại về thảm họa hạt nhân sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, mà các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga cũng chắc chắn không thể nào để bạo lực bùng phát trong mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Lầu Năm Góc sẽ phải tính đến trường hợp các quả tên lửa của nước này trong khi tấn công Bình Nhưỡng sẽ rơi vào vùng lãnh thổ của Nga. Nga sẽ không để tên lửa Mỹ "vô tình" rơi vào lãnh thổ của mình mà sẽ buộc phải bắn hạ tên lửa của Mỹ ngay khi nó đang ở trong không phận Triều Tiên.
Hiện cả thế giới đang nín thở chờ xem những diễn biến tiếp theo trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi có nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc hoặc bắn tên lửa trong các dịp lễ quan trọng trong tháng 4.