Táo Trung Quốc 10 ngàn/kg và thông tin đáng sợ bên kia biên giới

09-11-2016 13:14:21

Loại táo đỏ căng mọng, quả to và thơm ngon của Trung Quốc đang được bày bán tràn ngập chợ đầu mối tại Việt Nam với giá bán chỉ 8.000 đồng/kg, loại đẹp giá hơn 10.000 đồng/kg. Đâu là sự thật về loại táo này?

Chợ Việt có 2 loại táo đỏ Trung Quốc

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đăng tải thông tin “lật tẩy” quy trình trồng táo đỏ - một loại táo nổi tiếng tại vùng đất Yên Đài (Sơn Đông, Trung Quốc) khiến nhiều người cảm thấy khiếp sợ.

Cụ thể, theo Chinawhisper, điều tra gần đây cho thấy, một lượng lớn táo trồng ở thành phố Yên Đài, ngay từ khi còn non, đã được bọc trong những túi nilong chứa loại bột trắng bí ẩn. Thành phần của túi thuốc và danh tính của người cung cấp được xem là “bí mật công nghiệp”.

Tuy nhiên, nông dân địa phương và một số cá nhân trong ngành thú nhận rằng “mọi người đều biết” các túi đó chứa thiram (một loại chất diệt nấm đã bị cấm vì độc hại) và melarsoprol (hợp chất thạch tín độc hại). Chúng có tác dụng giúp táo chín đẹp mã, không bị nấm mốc và sâu bệnh.

Táo Trung Quốc đỏ rực bán ở chợ Hà Nội.
 

Sau thông tin rúng động trên, người tiêu dùng Trung Quốc và cả người tiêu dùng Việt Nam, đều tỏ ra hoang mang. Loại táo đó được tiêu thụ ở đâu? Liệu chúng có được nhập về Việt Nam không?

Khảo sát về loại táo đỏ này tại chợ đầu mối Long Biên, PV thấy có đến vài chục mối chuyên đổ buôn các loại táo đỏ của Trung Quốc, với số lượng cực lớn. Theo dân buôn, thời điểm này đang vào chính vụ táo đỏ của Trung Quốc nên hàng nhiều, đẹp và giá rất rẻ. Mặc dù chưa có thông tin về sự liên hệ về táo Trung Quốc bán ở Việt Nam và nguồn gốc nơi trông như trên nhưng sự lo ngại của người tiêu dùng là không tránh khỏi.

Tại chợ Long Biên đang bày bán hai loại táo có xuất xứ từ Trung Quốc. Thứ nhất là loại táo đỏ, quả căng mọng thơm ngon, bọc trong một lớp lưới xốp chuyên dụng, sau đó được xếp ngay ngắn trong các thùng carton màu đỏ bên ngoài toàn chữ Trung Quốc. 10 quả đều như 1, dân buôn gọi là táo tẩy, giá 100.000 đồng/thùng 12 kg (khoảng trên 8.000 đồng/kg), loại vip giá 160.000 đồng/thùng 12 kg (hơn 13.000 đồng/kg).

Từ hình dáng đến màu sắc, táo tẩy khá giống với táo đỏ được bọc trong túi chứa chất độc khiến dư luận xôn xao gần đây.

Thứ hai, dân buôn gọi là táo mèo. Táo này ăn ngọt, chắc thịt, cũng được bọc lót trong các thùng carton toàn chữ Trung Quốc. Song, so với loại táo tẩy, mẫu mã táo mèo lại không đẹp, nhưng giá thì rẻ hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Từ chợ đầu mối, các loại táo đỏ của Trung Quốc được chuyển đi khắp các chợ dân sinh, cửa hàng hoa quả, bếp ăn tập thể, quán cà phê,... vì giá rẻ, hàng rất khó thối hỏng.

Bất an về chất lượng 

Với giá bán có thể nói là siêu rẻ, các loại hoa quả của Trung Quốc khiến nhiều người lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, rau củ quả Trung Quốc độc hại đã liên tiếp bị phát hiện trong những năm qua.

Mới đây, một số báo đưa tin, ở Nghệ An, khi cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm lấy 6 mẫu rau cải, hành tây, tỏi và táo Trung Quốc xét nghiệm thì phát hiện đến 5 mẫu chứa chất bảo quản và thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, riêng mẫu rau cải có tồn dư hoạt chất Cypermethrin (một hoạt chất dùng phòng trừ sâu trên cây trồng) là 0,79 mg/kg, cao gấp 8 lần mức tối đa cho phép. Hoạt chất này độc hại đến mức ở ngành nuôi trồng thủy sản đã bị cấm sử dụng.

Tại TP.HCM, khi lấy mẫu kiểm nghiệm rau củ quả Trung Quốc, cơ quan chức năng từng phát hiện tới 30% mẫu kiểm nghiệm có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Tại chợ Hà Nội, các loại hoa quả Trung Quốc được bán với giá siêu rẻ

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT Việt Nam) từng gửi công văn cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu - Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc, cảnh báo về 17 lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ nước này xuất sang Việt Nam bị phát hiện có dư lượng hóa chất bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng.

Danh sách các loại quả trong 17 lô hàng trên gồm: táo, cam tươi, chanh tươi, nho, quýt, hồng, cà rốt và củ cải, với các hóa chất vượt ngưỡng gồmCarbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite(dùng để diệt nhện) và Methomyl, chất độc gây suy gan, suy thận và ung thư!

Trao đổi với PV. VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm) cho biết, hóa chất bảo vệ thực vật gồm 2 loại: loại trị bệnh (nấm mốc) và loại trị sâu (các loại sâu, nhện). Tất cả đều độc hại. Thời gian cách ly có loại chỉ 1 tuần, có loại tới cả tháng, thậm chí có loại không phân giải (tức loại thuốc bị cấm sử dụng).

Song, thực tế, những người vô lương, thiếu hiểu biết thường không tuân thủ quy định trên, chưa hết thời gian cách ly mà họ vẫn thu hoạch để bán. Vì thế, rau quả thường bị tồn dư một lượng thuốc độc hại.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục BVTV, cảnh báo, các hóa chất khi sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ gây ngộ độc, có liên quan tới đường ruột, tiêu hóa và về lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể người, ảnh hưởng tới gan, thận. Còn TS. Nguyễn Duy Thịnh thì nhấn mạnh, không chỉ gây suy gan, suy thận, các chất độc hại có thể còn gây ung thư.

Phát hiện dính độc, rau quả đã được tiêu thụ hết

Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ lấy mẫu khoảng 10% các lô hàng nhập khẩu nông sản từ Trung quốc về Việt Nam và gửi mẫu về Cục bảo vệ thực vật để xét nghiệm.

Quá trình kiểm tra 1 lô hàng kéo dài đến 7 ngày mới có kết quả. Lúc này các lô hàng vẫn được thông quan bình thường. Thế nên, khi phát hiện ra các lô hàng rau củ, hoa quả bị dính độc thường đã đươc tiêu thụ hết.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã từng thừa nhận, các lô rau củ quả bị phát hiện có dư lượng thuốc vào vệ thực vật vượt ngưỡng đều được đem đi tiêu thụ hết.

 

Bảo Phương
Theo Vietnamnet //