Tân sinh viên 'xanh mặt' với nhiều khoản phí phải nộp đầu năm học

02-09-2023 07:17:55

Hàng loạt khoản phí từ vài chục ngàn đồng trở lên như phí nhập học, phí tài liệu số, phí wifi, phí kiểm tra chất lượng tiếng Anh, tin học, đồng phục... khiến nhiều tân sinh viên "xanh mặt".

Tân sinh viên trên cả nước bắt đầu đến làm hồ sơ nhập học tại các trường đại học, chuẩn bị cho một hành trình mới.

Tại TP.HCM, cùng với không khí nhập học sôi động ở các trường đại học, trên nhiều diễn đàn, nhiều tân sinh viên bày tỏ sự ngỡ ngàng với các khoản thu bắt buộc phải đóng đầu năm học. Đó là những khoản như đồng phục, lệ phí nhập học, tài liệu số... hay cả phí wifi. Các khoản tiền này dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng, khiến nhiều sinh viên gặp không ít khó khăn.

Mỗi khoản từ vài chục đến cả triệu đồng

Trên fanpage dành cho sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều tân sinh viên bày tỏ bức xúc khi phải đóng cơ số các khoản tiền đầu năm học. Trong đó, điều nhiều sinh viên quan tâm là chỉ riêng 3 bộ đồng phục đã có giá 1.090.000 đồng.

Các khoản phí tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM và thắc mắc của tân sinh viên trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

N.M, tân sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ, nhà trường hướng dẫn thủ tục nhập học với các khoản tạm thu học phí, phí nhập học khiến N.M "hoang mang" như tiền hệ thống quét trùng lặp (150.000 đồng); tin nhắn SMS (80.000 đồng/năm); sinh hoạt chính trị công dân - sinh viên đầu khóa (150.000 đồng). Ngoài ra, tân sinh viên cũng phải đóng luôn các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn (hơn 1 triệu đồng); phí thư viện số toàn khóa (90.000 đồng) và 1.090.000 đồng tiền đồng phục.

"Đồng phục của trường gồm 2 áo sơ mi, 2 quần tây, 1 bộ đồ thể dục và 1 dây đeo. Em thấy chỉ cần 1 bộ đồng phục và 1 bộ thể dục là đủ vì đã là sinh viên đại học, sao còn bắt mặc đồng phục như học sinh phổ thông. Chưa kể, ngoài học phí tạm thu là 5,3 triệu đồng, các khoản còn lại cũng gần 3 triệu đồng, thực sự rất choáng", N.M nói.

Không đồng tình với việc phải mua quá nhiều đồng phục cũng như các khoản "phí lạ", nhiều tân sinh viên tràn vào các hội nhóm của trường này để thắc mắc. Khi đặt câu hỏi "có bắt buộc phải mặc đồng phục đi học không", nhiều cựu sinh viên đã trả lời "không bắt buộc mặc, nhưng bắt buộc mua".

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhiều tân sinh viên cũng "xanh mặt" bởi 13 khoản thu đầu năm, trong đó có 7 khoản bắt buộc phải đóng. Theo đó, ngoài học phí 14 triệu đồng (chương trình chuẩn), các khoản lệ phí khác mà sinh viên phải đóng gồm: lệ phí nhập học 280.000 đồng (bao gồm thẻ sinh viên tích hợp thẻ ngân hàng và thẻ thư viện, giấy xác nhận sinh viên); lệ phí thư viện chính quy cả khóa 690.000 đồng; giáo trình tài liệu số do trường biên soạn 800.000 đồng; gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến - wifi học tập 500.000 đồng; kiểm tra tiếng Anh đầu vào 345.000 đồng; kiểm tra tin học đầu khóa (có 2 mức giá tùy chọn là 345.000 đồng và 445.0000 đồng).

Học phí và các khoản phí đối với sinh viên đại học chính quy tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Ngoài các khoản bắt buộc này, tân sinh viên còn có các khoản phí tự chọn khác như bảo hiểm toàn điện 280 ngàn đồng; kỹ năng mềm 600 ngàn đồng; tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 4,5 triệu đồng.

"Cả học phí lẫn các khoản bắt buộc cũng sương sương 20 triệu đồng. Tưởng không tăng học phí sẽ bớt được phần nào gánh nặng chi phí, ai có ngờ đủ thứ phí khác. Chưa biết mở miệng thế nào với bố mẹ để xin tiền, vì trước khi nhập học chỉ thông báo mỗi học phí", một tân sinh viên than thở.

Thu đúng quy định và ở mức thấp nhất?

Về các khoản phí mà tân sinh viên thắc mắc nêu trên, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, đồng phục của trường là truyền thống, là sự tự hào cũng như thể hiện sự bình đẳng, tính kỷ luật tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Ngoài ra, việc mặc đồng phục cũng sẽ đảm bảo an ninh an toàn hơn, không để người ngoài trà trộn vào trường lấy đồ dùng, tư trang của sinh viên. 

"Nhà trường không bắt buộc sinh viên mua bao nhiêu bộ đồng phục, các em có thể mua 1 bộ đồng phục quần tây sơ mi, 1 bộ thể dục, miễn là các bạn khi vào trường thì mặc đồng phục. Sinh viên cũng có quyền lựa chọn may hoặc mua đồng phục ở bên ngoài", ông Tuấn nói.

Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2023. Ảnh: UTH

Về phí quét trùng lặp, ông Tuấn cho biết, theo quy định về đào tạo, sinh viên phải đảm bảo tính trung thực trong sản phẩm học tập, nghiên cứu của mình, vì vậy sẽ phải kiểm tra quét trùng lặp trước khi nộp. Người học có thể nộp bài để quét ở những cơ sở đào tạo, trung tâm dữ liệu được công nhận. Tuy nhiên, phí quét riêng đơn lẻ sẽ rất đắt (với luận văn trung bình 200.000 đồng/lần). Do đó, nhà trường tổ chức quét trùng lặp cho sinh viên, việc thu phí quét trọn gói nhằm đảm bảo điều kiện kinh tế cho sinh viên.

Ông Tuấn khẳn định, tất cả các khoản thu mà trường công bố đều ở mức thấp nhất để hỗ trợ cho sinh viên, nhà  trường không hưởng lợi gì từ các khoản này. Trong 4 năm qua, nhà trường kiên quyết giữ học phí ổn định, không tăng với mục đích cùng Chính phủ chống lạm phát, đảm bảo công bằng xã hội và quyền tiếp cận học đại học của người nghèo, con của các gia đình có thu nhập thấp. 

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, các khoản phí nhà trường thu đều đúng quy định và ở mức thấp nhất có thể.

Trong đó, với lệ phí thư viện hệ đại học chính quy, nhà trường thu theo quy định của Nhà nước, đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành với khoảng 150– 350 cuốn/đầu sách tại thư viện của trường. Ngoài ra, thư viện còn có sách ngoại văn, các nguồn cơ sở dữ liệu... phù hợp cho sinh viên tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, các khoản phí nhà trường thu đều đúng quy định và ở mức thấp nhất có thể. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, nếu cùng lúc có hàng trăm, hàng ngàn sinh viên cùng học hoặc thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ... thì thư viện không đáp ứng được sách tham khảo cho sinh viên. Do đó, giáo trình, tài liệu số được nhà trường biên soạn phục vụ học tập.

"Giáo trình, tài liệu số do nhà trường biên soạn, được số hóa (đảm bảo vấn đề bản quyền), sử dụng trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống. Các tài liệu đã được số hóa, mỗi sinh viên sẽ được cấp tài khoản riêng để truy cập và sử dụng không giới hạn thời gian, số lần truy cập. Tài khoản truy cập cũng được cá nhân hóa, sinh viên không cần phải mua sách bản giấy để học", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, bình quân 1 chương trình đào tạo có khoảng hơn 42 môn học. Với số tiền 800 ngàn đồng/khóa; sinh viên chỉ phải trả phí mua học liệu số khoảng 19.000 đồng/môn học (mỗi môn học có từ 1-3 giáo trình, tài liệu tham khảo do trường biên soạn).

Khoản thu này là để bù đắp một phần chi phí nhà trường đã đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, số hóa, vận hành và bảo trì hệ thống học liệu số.

Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ảnh: NTCC

Tương tự, phí wifi học tập (gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến), nhà trường đã có những khoản đầu tư lớn để gia tăng băng thông wifi, đáp ứng nhu cầu truy cập internet tốc độ cao phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của người học tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Với 500 ngàn đồng/4 năm học, bình quân mỗi tháng sinh viên chỉ phải bỏ ra khoảng 12.000 đồng/tháng để sử dụng wifi tốc độ cao tại trường.

Riêng các khoản kiểm tra đầu vào tiếng Anh, tin học, ông Trung cho biết, nhà trường xét tuyển các thí sinh vào các ngành, các khoa theo nhiều tổ hợp khác nhau, do đó, trình độ về tiếng Anh, Tin học của sinh viên là khác nhau. Vì vậy, việc thực hiện kiểm tra năng lực tiếng Anh, tin học cho sinh viên là cần thiết.

Nhà trường đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, liên quan đến chuyển đổi số, bắt buộc phải kiểm tra năng lực tiếng Anh, tin học của người học, đây là cơ sở để sang năm thứ hai, các em được học 2 môn đầu vào cho các ngành học, đó là môn tin học ứng dụng và ngôn ngữ chuyên ngành.

Kết quả kiểm tra, nếu sinh viên đạt yêu cầu đầu vào thì không cần thực hiện kiểm tra nữa. Sinh viên nào có chứng chỉ tiếng Anh bậc 3 hoặc bậc 4 cũng không cần kiểm tra và mặc định được vào học tiếng Anh chuyên ngành; tương tự, sinh viên có chứng chỉ tin học cơ bản hoặc MOS là đã đạt đầu vào học môn tin học ứng dụng và có thể lựa chọn không thi kiểm tra đầu vào. Ngược lại, những sinh viên chưa đạt được trình độ tương đương, nhà trường sẽ có lộ trình để các em phải đạt được trong vòng 1 học kỳ.

"Chi phí đánh giá đầu vào tiếng Anh, tin học nhà trường thu của sinh viên là để bù đắp chi phí tổ chức thi như thực hiện ngân hàng câu hỏi, chi phí coi thi, chi phí chấm thi… Các chi phí này được nhà trường căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập", ông Trung nêu rõ.

 

 

Mỹ Quỳnh
Theo Báo Dân Việt //