Tâm sự xúc động của những 'chiến sĩ áo trắng' lên 'cắm chốt' vùng dịch Sơn Lôi

27-02-2020 08:46:46

Vì sứ mệnh cao cả, các cán bộ y tế đành hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân để xông pha đến với "tâm dịch" Covid-19 Sơn Lôi với nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho người dân.


Các chốt tại xã Sơn Lôi

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay diễn ra đúng vào thời điểm ngành Y tế đang cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, từ "tâm dịch" Lôi Sơn, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có rất nhiều "chiến sĩ áo trắng" vẫn đang ngày đêm vất vả bám trụ để chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Vĩnh Phúc là tỉnh có 11 trường hợp bị nhiễm bệnh Covid-19, trong đó 9 người ở huyện Bình Xuyên, 1 trường hợp ở Tam Đảo, 1 trường hợp ở Tam Dương. Tuy nhiên, đến nay tất cả các bệnh nhân đều đã khỏi bệnh. Để có được kết quả này là cả một quá trình của đội ngũ y tế, lực lượng công an, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên nghành Vĩnh Phúc.

Trong cuộc chiến này, góp phần đẩy lùi dịch bệnh không thể nhắc tới là những bác sĩ trực chiến ở 'tâm dịch'. Họ luôn đối diện với muôn vàn khó khăn thiếu thốn và đầy rẫy những hiểm nguy, nhưng họ chỉ mỉm cười hạnh phúc khi các bệnh nhân được chữa khỏi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, đây là những món quà vô giá nhân ngày 27/2.

Việc kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh và chữa khỏi cho 16 bệnh nhân dương tính với loại virus chết người này đã tạo động lực lớn cho toàn ngành Y tế nói chung và đội ngũ y tế đang ngày đêm túc trực tại tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Với họ, dù chưa có thêm ca bệnh mới nào, nhưng trong tâm trí luôn sẵn sàng, chuẩn bị cho mọi tình huống, không chủ quan để bất cứ lúc nào cũng đối diện với cuộc chiến cam go, kéo dài với dịch bệnh khi chủng virus mới vẫn diễn biến khó lường, lây lan tại nhiều quốc gia.

Những "chiến sĩ áo trắng" dù vất vả nhưng luôn nở nụ cười tươi rói.

Tại tâm dịch ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), anh Thiều Đức Tiến – con trai cán bộ y tế Thiều Đức Hòa, là người được tăng cường từ huyện Vĩnh Tường lên tuyến đầu chống dịch. Anh Tiến tranh thủ giờ nghỉ trưa, cầm lẵng hoa kèm lời chúc gửi đến bố của anh cùng các anh, chị em nơi tuyến đầu chống dịch tình cảm yêu thương nhất.

Đón bó hoa từ con trai, ông Hòa cảm động, mắt ngấn lệ nói: "Năm nào cứ đến ngày thầy thuốc Việt Nam, vợ và các con ông đều gửi lời chúc đến ông. Năm nay, ông nhận được hoa lời chúc mừng ở nơi đặc biệt nên cảm xúc rất khác lạ".

Ông Hoà bảo, khi ông nhận lệnh tăng cường đứng chốt tại Sơn Lôi từ ngày 13/2. Từ đó đến nay, ông chưa về nhà. Dù nhớ nhà, nhớ người thân gia đình nhưng ông vẫn bám trụ ở lại hoàn thành sứ mệnh của người bác sĩ. Cuối ngày, ông lại đều đặn gọi điện về gia đình cập nhật tình hình sức khoẻ cho người thân khỏi lo lắng.


Ông Hoà và các bác sĩ, y tá cắm chốt ở Sơn Lôi nhận bó hoa từ ănh Tiến nhân ngày 27/2

"Chưa có năm nào ngày 27/2 tôi cảm thấy ý nghĩa như năm nay. Tôi cũng không nghĩ vợ con chu đáo mang hoa, quà đến tận chốt tặng. Khi thấy con, cảm xúc của tôi khó tả lắm, đây là sự khích lệ lớn đối với tôi.

Trong những ngày ở Sơn Lôi, tôi luôn nhận được sự động của vợ con, họ như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tôi phát huy, hoàn thành tốt công việc được giao phó. Dù Sơn Lôi đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng cuộc chiến vẫn còn cam go, chúng tôi vẫn phải luôn chủ động chuẩn bị tinh thần tốt nhất ở nơi đầu tuyến dịch, mỗi sự động viên lúc này với chúng tôi vô cùng ý nghĩa”, ông Hoà xúc động nói.

Chia sẻ về món quà mang đến tặng bố nhân ngày 'giỗ nghề', anh Tiến vui vẻ nói, khi bố anh nhận nhiệm vụ chống dịch tại xã Sơn Lôi, gia đình anh cũng có chút lo lắng, nhưng không ai nói ra vì sợ ảnh hưởng tới quá trình làm nhiệm vụ của ông Hòa. Sau này, khi nhớ bố, anh cùng với mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình dịch bệnh, động viên ông Hòa chịu khó ăn uống, thực hiện kỹ lưỡng các bước bảo vệ.


Người dân mang thức ăn cho cán bộ cắm chốt

"Tôi và mẹ nghĩ rằng, mình phải là chỗ dựa vững chắc, tạo tâm lý tốt để bố làm tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch tránh nguy cơ lây lan cho cộng đồng, đó chính là cách bảo vệ tốt nhất cho hàng triệu gia đình, trong đó có gia đình tôi. Đây là lần đầu tiên bố đón Tết ngành Y xa nhà nên tôi trực tiếp mang món quà nhỏ của gia đình đến tặng bố cùng các anh chị làm kiểm dịch như nguồn động viên tinh thần đến họ”, anh Tiến chia sẻ.

Lê Thị Nga, một cán bộ y tế trẻ tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường cũng được tăng cường đến tâm dịch xã Sơn Lôi vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cho biết, ngày 13/2, Nga nhận được lệnh, cô lập tức gói ghém đồ đạc, chuẩn bị hành trang lên đường. Ở thời điểm mới nhận nhiệm vụ, Nga cũng có chút lo lắng, cô nghĩ mình đi công tác dài ngày, chồng cô là bộ đội cũng ở xa, 2 con nhỏ ở nhà có mỗi ông nội không biết sẽ xoay xở ra sao? Thời gian chuẩn bị chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, cô bị giằng xé bởi nhiều cảm xúc.

Chị Nga bảo, chị không sợ dịch bệnh, chỉ nhớ nhà và nhớ con. Tuy nhiên, được sự động viên của chồng nên chị càng có động lực hơn. Nga luôn nghĩ, trong cuộc chiến này, mình phải là người “chiến sĩ” tiên phong”.

Nhớ lại những ngày đầu xuống 'tâm dịch' trong mưa rét, chị Nga kể: "Dân thương chúng tôi, sợ mọi người lạnh nên tối nào họ cũng mang củi để sưởi ấm, đồ ăn ra chốt cho chúng tôi, cảm động lắm ạ. Tôi tự nhủ lòng mình phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh trả lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.

Một số người họ nghĩ đã làm phiền chúng tôi, họ rất ý thức về dịch bệnh. Nhìn người dân bị phong tỏa, hạn chế đi lại và thường xuyên phải đo thân nhiệt, sát trùng, trong thâm tâm tôi mong sớm xóa sổ được dịch bệnh này để về với gia đình con cái, để người dân sớm trở lại cuộc sống thanh bình”.


Chị Nga chia sẻ với PV

Ở 8 chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Bình Xuyên những ngày virus -19 diễn biến khó lường, các cán bộ làm công tác kiểm soát, sát trùng túc trực ngày đêm 24/24 giờ không quản gian khổ, khó khăn, nguy hiểm dưới tiết trời mưa phùn, giá rét. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cán bộ nơi đây chung sức, chung lòng hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.

Ở mỗi chốt kiểm soát dịch những ngày cao điểm, nhiều cán bộ công an, bộ đội trở thành những nhân viên y tế bất đắc dĩ. Họ ngoài công tác kiểm soát còn phụ giúp các nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về dịch bệnh, cách phòng ngừa, tự tay cầm những chai nước diệt khuẩn sát trùng cho dân vùng phong tỏa hoặc tự tay đeo những chiếc khẩu trang y tế cho người dân và hướng dẫn họ đeo cho đúng cách. 

Ông Doãn Đức Toàn – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều công ty Hàn Quốc đóng, lượng lao động lớn sẽ là thách thức của đội ngũ y tế làm công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch của huyện.

Theo ông Toàn, UBND tỉnh vừa có chỉ đạo về việc hướng dẫn cách ly đối với người về từ Hàn Quốc. Trong đó, yêu cầu mở rộng công tác theo dõi, giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italia. Các bệnh nhân dương tính với Covid-19 được xuấn viện là niềm vui, món quà ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ, y bác sỹ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //