Tâm sự xúc động của bác sĩ 7 lần mổ để cứu đôi chân cho 1 bệnh nhân
Đọc toàn bộ chia sẻ mới thấy tấm lòng vì bệnh nhân của người thầy thuốc. Thay vì một phương án an toàn, anh lại lựa chọn cách nhiều khó khăn, thử thách, tất cả để cứu lấy đôi chân của chàng sinh viên trẻ.
Bệnh nhân trong câu chuyện này là một chàng trai trẻ, sinh viên năm nhất chỉ mới chạm vào ngưỡng cửa cuộc đời, cả một tương lai tươi sáng ở phía trước. Thế nhưng một tai nạn thảm khốc xảy đến đã khiến cậu phải đối mặt với nguy cơ phải cắt cụt chân.
Lúc này là cuộc đấu tranh nội tâm của người bác sĩ, nếu lựa chọn phương án bảo tồn đôi chân cho bệnh nhân sẽ phải mổ rất nhiều lần với nhiều nguy cơ và rủi ro.
Những câu hỏi được đặt ra liệu người bệnh có đủ quyết tâm, chịu nổi đau đớn, liệu bản thân anh có đủ kiên trì qua nhiều lần mổ, có dám đương đầu với rủi ro, điều tiếng nếu bị kiện tụng. Tuy nhiên trên tất cả anh đã lựa chọn phương án nhiều khó khăn thử thách bởi anh hiểu cứu được đôi chân cũng là cứu tương lai của cả một con người.
Sau đây Đời sống Plus xin ghi lại những chia sẻ của TS.BS Trần Hoàng Tùng - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình Chi dưới - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về ca bệnh vô cùng đặc biệt này.
TS.BS Trần Hoàng Tùng - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình Chi dưới - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
5 năm với 7 lần mổ lớn và rất lớn. Tôi không nghĩ khoảng thời gian dài đó chỉ để cứu sống một cái chân, cho dù đó là một cái chân dập nát và nhiễm khuẩn, mà khoảng thời gian đó là để cứu lấy cuộc đời của một con người !!!
Em, sinh viên năm nhất, tai nạn xe máy, gẫy hở phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi và nhiễm trùng. Em và bố em gặp tôi với một cái chân lủng lẳng và đầy mủ, với một tiên lượng cắt cụt chân....
Tôi đã từng nói với bố em, một người đàn ông gầy gò và khắc khổ, giờ cắt bỏ cái chân thối thì nhanh lắm, bác sỹ mổ nhanh lắm và bệnh nhân cũng nhanh hồi phục để lắp chân giả lắm. Nhưng tôi cũng nói, tôi không muốn cắt cụt chân của ai, vì suy cho cùng, cũng buồn lắm.
Tôi đã từng hỏi em, cậu bệnh nhân, cậu sinh viên năm nhất 19 tuổi còn quá trẻ, liệu em có đủ can đảm để chịu đựng đau đớn qua nhiều, rất nhiều lần mổ để cứu chân, để giúp em thay vì là người cụt chân tàn phế, có thể vẫn được đi trên đôi chân cha sinh mẹ đẻ của mình không?
Và tôi cũng tự hỏi bản thân mình, liệu có đủ kiên trì để mổ cho em, đủ can đảm để chịu điều tiếng khi bệnh nhân của mình phải mổ đi mổ lại không. Và nhỡ các ca mổ không thành công, gia đình bệnh nhân không hiểu, lại thắc mắc, lại kiện... mình có đủ sức chịu đựng và đương đầu không?
Rồi thì "còn nước còn tát". Tôi bắt đầu mổ cho em từ lần mổ thứ 2. Mổ cắt lọc các tổ chức hoại tử, nạo viêm và lấy bỏ xương chết. Cắt hết là hết, nên phải cắt từ từ những phần chết hẳn và chờ những phần nửa sống nửa chết hồi phục được tí nào hay tí đó.
Lại mổ, lại cắt, lại chờ, lại mổ, lại hy vọng, lại chờ... May quá đến lần thứ 4, chân em đã hết nhiễm trùng, hết xương chết và cơ thối. Nhưng khuyết xương đùi và cứng khớp gối, mất gân cơ quanh đùi và đi lại vẫn rất khó khăn.
Bố em đi làm xa từ lần mổ thứ 3 để lại lời nhắn qua điện thoại "tôi phải đi làm xa để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu, trăm sự nhờ bác sỹ". Có nên tiếp tục không, có hy vọng gì không hay lại tiền mất tật mang. Những câu hỏi cho tôi, cho em, cho bố em. Và rồi tôi lại cố gắng. Và em lại chịu đựng những cơn đau....
Lần thứ 5 ghép xương và sau đó là lần thứ 6, cũng là lần đầu tiên tại bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại và gỡ dính khớp gối. Ghép thế nào đây trên nền một khớp gối vừa dính vừa cứng.
Làm thế nào đây, để ghép mà sau mổ khớp gối vừa gấp tốt mà không mất duỗi, vừa duỗi tốt lại không mất gấp, ghép thế nào đây để đủ cho nhu cầu bệnh nhân sinh hoạt hàng ngày. Khó quá và trăn trở quá nhưng rồi mọi việc đã thành công...
Đôi chân của chàng sinh viên trẻ đã đi lại vận động bình thường sau 7 lần phẫu thuật.
Trải qua gần 4 năm, sau 5 lần được tôi mổ, em đã hồi phục, đi lại tốt trên đôi chân của mình, tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm. Không còn niềm vui nào hơn. Những tưởng mọi chuyện đều đã viên mãn. Những tưởng vận đen đã hết và cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với em. Nhưng....
Quả thật cuộc đời vô thường quá. Tội cho em và gia đình em quá!. Chiều cuối năm, sát Tết, vẫn khuôn mặt và giọng nói khắc khổ đó: "bác ơi, bác mổ cho cháu tốt rồi, cháu ra trường đi làm được mấy tháng rồi và cháu... cháu lại vừa bị tai nạn gẫy đúng chân bác mổ rồi "
Lần thứ 7...
Hơn 1 năm mới gặp. Mừng em đã hồi phục và đi làm. Mừng em đến báo cho tôi tin vui sắp lấy vợ.
Nhìn chàng trai năm ấy giờ khỏe mạnh với tương lai tươi sáng đang chờ, tôi tự nhủ có lẽ sự quyết tâm "còn nước còn tát" của tôi, của em năm ấy đã không uổng phí.
Tôi chỉ muốn nhắn với em rằng hy vọng lần thứ 7 cũng là lần cuối cùng, tôi sẽ vẫn có thể gặp em ở một nơi nào đó nhưng nhất định không phải tại phòng mổ thêm một lần nào nữa em nhé!