Tâm sự rớt nước mắt của nữ công nhân quét rác có con nhũn não, chồng tai biến
Cáng đáng chăm con nhũn não bẩm sinh suốt hơn 20 năm nay, mới đây chị Vân Anh lại phải chăm thêm cả chồng tai biến, gánh nặng như chồng chất lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ nhỏ bé này.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh - công nhân quyét gom rác tổ môi trường 8 phường Ba Đình, Hà Nội.
30kg gồng gánh cả gia đình
Một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Vân Anh (50 tuổi, An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) - công nhân quét gom rác tổ môi trường 8 - Chi nhánh Urenco Ba Đình bắt đầu từ 17h chiều đến khoảng 1h đêm. Gặp chị và tận mắt chứng kiến hình ảnh người phụ nữ bỏ bé gầy guộc chỉ hơn 30kg gồng mình đẩy chiếc xe rác cao ngất ngưởng, nặng tới 2-3 tạ về nơi tập kết trên đường Ngọc Hà khiến nhiều người không khỏi ái ngại.
Chị kể mình bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) từ năm 1997. Theo lời chị Vân Anh, chị gắn bó với hơn 20 năm với công việc quyét gom rác một phần là vì yêu nghề, nhưng quan trọng hơn là vì gánh nặng gia đình, trách nhiệm là người có thu nhập duy nhất trong nhà.
Trước đây, chồng chị có chạy xe ba gác, xe ôm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, anh bị tại biến mạch máu não, liệt 1 chân và 1 tay, lắm lúc nhớ nhớ quên quên. Bây giờ việc nhà cũng không thể đỡ đần cho chị chứ đừng nói là kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nhắc đến con cái, khuôn mặt chị Vân Anh lại nặng trĩu hơn bao giờ hết. Chị bảo, 2 vợ chồng chị lấy nhau năm 1988, sinh được 4 người con nhưng 3 đứa trẻ chết yểu. Người con duy nhất còn sống của chị là Nguyễn Minh Thành (sinh năm 1992) lại bị nhũn não bẩm sinh, hở hàm ếch, mù và liệt toàn thân.
Người phụ nữ nhỏ bé nghẹn ngào chia sẻ: “Nuôi thằng bé nằm 1 chỗ hơn 20 năm, sinh hoạt tại giường, ăn mẹ mớm, đi vệ sinh tắm rửa một tay mẹ làm hết. Ai nhìn thấy cũng bảo tôi đáng thương, thằng bé mất sớm thì tôi đỡ khổ. Nhưng mà nó như là nghiệp của tôi vậy, lúc nào cũng thương, không xa rời được nó bao giờ vì không yên tâm giao cho ai cả”.
Cáng đáng chăm con suốt hơn 20 năm nay, giờ lại phải chăm thêm cả chồng, gánh nặng như chồng chất lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ nhỏ bé này.
Hơn 20 năm qua, chị Vân Anh phải cáng đáng chăm con nhũn não bẩm sinh
Ở giữa thủ đô nhưng không biết dùng điện thoại
Chị kể đi làm vất vả nhưng chị không dám mua sắm gì cho bản thân. Nước uống, cơm ăn đều mang từ nhà đi để có tiền dành dụm chăm con, chăm chồng. Đến cả chiếc điện thoại di động, món đồ mà tưởng chừng như ai cũng có ở thời buổi bây giờ chị cũng chẳng dám mua vì vừa tiếc tiền lại không biết sử dụng. Trong căn nhà đơn sơ của anh chị, chỉ có 2 thứ giá trị nhất là chiếc tủ lạnh nhỏ bé và một chiếc vô tuyến cũ kỹ. Chúng đều là đồ được người thân cho.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, không chỉ lãnh đạo xí nghiệp mà mọi người trong tổ cũng tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều. Thế nhưng chị Vân Anh tâm sự, càng như vậy chị lại càng cố gắng "để lấy đồng lương chứ không thì ngại lắm”.
“Giờ có tuổi rồi, nhiều khi thấy bản thân mình chậm chạp, sức yếu mà buồn lắm. Nhưng mà chỉ nghĩ thôi, không dám chảy nước mắt trước mặt mọi người vì biết rằng đó là cái nghiệp của mình, mình phải cố sức mà cáng đáng. Tôi chẳng trông mong gì hơn ngoài hy vọng có sức khỏe để có thể làm việc” – chị Vân Anh nghẹn ngào tâm sự.
Người phụ nữ nhỏ bé có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng suy nghĩ lạc quan, để gắng sức kiếm tiền lo cho gia đình
Nhiều lần ngủ gục bên xe rác
Chia sẻ về hoàn cảnh của chị Vân Anh – chị Nguyễn Thanh Vân – tổ trưởng tổ môi trường 8 – chi nhánh Urenco Ba Đình cho hay, cả tổ ai cũng thương cho hoàn cảnh của chị Vân Anh.
“Có lần vào dịp cuối năm, khi hết giờ làm, mọi người cất xe xong xuôi mà không thấy chị ấy đâu, cả tổ nháo nhác chia nhau đi tìm thì thấy chị đang gục bên cạnh xe rác ngủ gật. Hoá ra là vì đi làm mệt quá, lúi húi cúi xuống khóa cái bánh xe xong rồi ngủ quên lúc nào không biết. Nhìn cảnh đó ai cũng thương rớt nước mắt”.
Là người trực tiếp phụ trách công việc hàng ngày của chị Vân Anh, chị Thanh Vân cho biết cả tổ ai cũng cố gắng giúp đỡ. Phân công công việc thì bao giờ cũng được vào nhóm cùng những công nhân khỏe mạnh, nhanh nhẹn để đỡ đần giúp chị.
“Chăm chồng con vất vả ngày đêm nhưng chị Vân Anh chịu khó lắm, có khi cả năm không cắt phép nghỉ ngày nào, chỉ trừ khi ốm quá. Hơn nữa dù tất bật với công việc nhưng chị Vân Anh lại rất cẩn thận. Con ốm nằm mấy chục năm nhưng luôn vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa không có mùi người ốm” – chị Thanh Vân cho hay.
Cũng theo chị Thanh Vân, nhiều năm qua, xí nghiệp cũng như công ty đã rất quan tâm đến hoàn cảnh đặc biệt của chị Vân Anh. Và chính bởi sự quan tâm ấy đã khiến chị Vân Anh có thêm nghị lực, thêm yêu cái nghề tối ngày... úp mặt vào rác này.
Mơ ước nhỏ nhoi của người công nhân môi trường
Theo chị Vân Anh, chế độ công ty rất tốt, nhưng tổng thu nhập của nghề không cao
Tâm sự về nghề phu xe rác, các chị chia sẻ, nghề này nặng nhọc, độc hại và mệt mỏi vô cùng. Chế độ cơ bản của công ty rất tốt, thu nhập cũng cũng ổn, tuy nhiên không đủ để có thể trang trải cho cả 3 người trong gia đình.
"Gần đây ý thức của người dân trong việc đổ rác đã cải thiện nhiều, thế nhưng vẫn có những người ý thức chưa cao. Nhiều người vì sợ mùi hôi mà chẳng dám đến gần xe rác, đứng từ xa quăng bọc rác qua đầu, qua mặt những người lao công hay thậm chí ném rác bừa bãi khiến chúng tôi càng vất vả hơn", chị Vân Anh buồn rầu tâm sự.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, người phụ nữ nhỏ bé nhẹ nhàng chia sẻ chẳng mong gì hơn ngoài việc người dân bỏ rác đúng giờ, luôn có ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ để những người "phu rác" như chúng tôi đỡ phần nào vất vả.
Tiếp lời tổ viên của mình, chị Thanh Vân - tổ trưởng tổ môi trường 8 nghẹn ngào bày tỏ: "Mong là nhà nước có chế độ đãi ngộ với công nhân môi trường làm sao cho xứng đáng với sức lao động. Nghề này độc hại, ngày nào cũng phải úp mặt vào rác. Bệnh xương khớp, dạ dày vì thức đêm thức hôm, mất ngủ, tiền đình, phổi, đau mắt… gần như ai cũng bị. Công nhân chẳng có nhiều tiền nên lắm lúc phải gắng gượng chịu đau đớn, mệt mỏi. Nhiều công nhân chỉ dám đi khám bảo hiểm tại phòng y tế của Công ty, không dám đi bệnh viện lớn vì sợ tốn kém, nhiều chi phí phát sinh”.