Tại sao tập thể dục bị đau đầu? Có nguy hiểm không?

26-12-2023 11:31:13

Thể dục thể thao là để tăng cường sức khỏe, thế nhưng đôi khi trong lúc tập luyện nhiều người hay gặp phải tình trạng đau nhức đầu. Đây là một hiện tượng thường gặp do sự thay đổi huyết áp, đường huyết, gắng sức gây áp lực… Nhưng đôi khi cũng có thể do các bệnh lý thứ phát gây ra.

I - Đau đầu khi tập thể dục là tình trạng gì?

Đau đầu khi tập thể dục là tình trạng xuất hiện cơn đau đầu trong hoặc sau khi tập thể dục, hoạt động thể chất. Một nghiên cứu năm 2018 của Claire H. Sandoe đã ước tính có khoảng 26% người trưởng thành gặp phải tình trạng nhức đầu trong khi tập thể dục, vận động thể chất. Hiện tượng này thường thấy nhiều hơn khi tập các môn thể dục, thể thao yêu cầu cường độ vận động mạnh hoặc vận động lâu dài. Chẳng hạn như chạy bộ đường dài, bơi lội, tập gym, tập tạ, chèo thuyền…

Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Cơn đau xuất hiện và biến mất chỉ trong khoảng vài phút, số ít là vài giờ hoặc vài ngày.
  • Đau và căng cơ vùng cổ.
  • Cảm nhận được mạch đập trong đầu, tim đập nhanh.
  • Cảm giác đau nhói, đau theo mạch đập, một số người cảm thấy đau cực kỳ dữ dội.
  • Đau đầu cũng có thể xảy ra sau khi tập.
  • Khi gắng sức, đau nặng hơn.
  • Đôi khi xuất hiện thêm các triệu chứng tương tự như chứng đau nửa đầu mirgaine, bao gồm: buồn nôn, nhảy cảm với âm thanh, ánh sáng mạnh, nhìn thấy hào quang…

II - Nguyên nhân gây đau đầu khi tập thể dục, thể thao

Trong lúc tập thể dục, các mạch máu (bao gồm cả tĩnh mạch và động mạch) sẽ giãn rộng ra khiến cho lưu lượng máu tới não bộ và các cơ quan khác tăng cao, cơ thể sẽ cần oxy cùng với máu hơn thông thường. Trong lúc vận động, cơ thể cũng sản xuất nhiều hormone adrenalin và các hợp chất trung gian khác khiến nhịp tim tăng cao, huyết áp do đó cũng tăng theo. Và chính hai yếu tố nêu trên, bao gồm sự giãn nở các mạch máu kèm tình trạng huyết áp tăng sẽ gây ra áp lực lớn đến hộp sọ, dẫn đến triệu chứng đau đầu khi tập thể dục.

Ngoài ra, tập thể dục bị đau đầu còn có thể do sự tác động của một hoặc nhiều yếu tố khác như:

  • Mất nước: Khi tập luyện thể dục, nước sẽ tiết ra theo dạng mồ hôi để làm giảm thân nhiệt, đồng thời nước trong cơ thể cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa và hình thành năng lượng phục vụ cho hoạt động thể chất. Nếu bạn tập thể dục với cường độ lớn thì nguy cơ mất nước là rất cao, dẫn đến não bộ cũng bị thiếu nước, đây cũng là nguyên nhân gây ra đau đầu.
  • Đói: Cơ thể sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng khi vận động, nếu bạn không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trước và sau khi tập thể dục thì đường huyết sẽ giảm, áp lực máu lên thành mạch sẽ tăng khi vận động. Và những yếu tố này đã gây ra triệu chứng đau nhức đầu.
  • Tư thế tập có vấn đề: Khi tập luyện không đúng tư thế, có thể gây ra sự căng cơ vùng đầu và cổ. Tác động này cũng có thể làm cho người tập đau nhức đầu do căng thẳng cơ, người uể oải và nhức mỏi các cơ.

III - Tập thể dục bị đau đầu cảnh báo bệnh gì?

Ngoài những nguyên nhân nguyên phát kể trên thì cơn đau đầu khi tập thể dục có thể là triệu chứng của một số bệnh lý, vấn đề về cơ thể. Tuy khả năng xảy ra là rất thấp nhưng người bệnh cũng không nên vì điều này mà chủ quan. Cụ thể thì một số bệnh lý gây nhức đầu khi tập luyện thể thao, thể dục bao gồm:

  • Xuất huyết dưới nhện: Là trạng thái chảy máu ở khu vực giữa não và các màng mỏng bao xung quanh não bộ, nguyên nhân thường là do chấn thương vùng đầu. Người gặp phải tình trạng này khi tập thể dục với các bài tập yêu cầu gắng sức có thể gặp phải hiện tượng đau đầu như búa bổ hoặc đau nhức đầu đột ngột.
  • Khối u não: Dù là u lành tính hay u ác tính cũng đều gây ra sự chèn ép tới các nhu mô não, thần kinh, mạch máu và xoang não. Và điều này có thể gây nên tình trạng đau đầu.
  • Viêm xoang: Ở người đang mắc chứng viêm xaong, áp lực từ các xoang bị viêm dường như tăng lên khi tập thể dục nên cũng dễ bị nhức đầu hơn.
  • Các bất thường về cấu trúc ở vùng đầu cổ, hoặc cột sống: Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến các mô hoặc bộ phận xung quanh đầu cổ hoặc cột sống. Từ đó làm xuất hiện các cơn đau đầu.

IV - Đau đầu khi tập thể dục có phải dấu hiệu nguy hiểm?

Trong khi tập hoặc sau khi tập thể dục mà bị đau đầu thường không phải vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này có thể thuộc dạng đau đầu thứ phát, là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Và do vậy, bạn rất cần được thăm khám và điều trị sớm tình trạng này để tránh bệnh diễn biến nặng hơn, để lại di chứng có hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người bệnh đau đầu khi tập thể dục có thể gặp phải các triệu chứng nguy hiểm như: nôn mửa, rối loạn thị giác, đau cứng cổ, rối loạn ý thức… Và khi thấy xuất hiện những biểu hiện này thì người bệnh cần khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được điều trị kịp thời cũng như chẩn đoán đúng tình trạng bệnh lý.

V - Nên làm gì để khắc phục tình trạng đau đầu khi tập thể dục?

Để khắc phục tình trạng đau đầu khi tập thể dục, bạn có thể áp dụng các biện pháp như sau:

1. Uống thêm nước lọc

Bạn cần bổ sung nước ngay trước và cả trong lúc tập, sau khi kết thúc tập. Điều này giúp duy trì lượng nước ổn định trong cơ thể, làm giảm cảm giác mệt mỏi và chặn đứng triệu chứng đau đầu do mất nước.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung điện giải để có thể kiểm soát ổn định chuyển hóa và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

2. Điều chỉnh lại tư thế tập

Như đã đề cập thì tập thể dục không đúng tư thế là yếu tố bất lợi khiến cho não bộ bị tổn thương, ảnh hưởng tới tuần hoàn máu não. Do vậy, bạn cần phải tập thể dục đúng cách, đúng tư thế để hạn chế cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Không những vậy, bạn cũng không nên tập những bài tập có tư thế nguy hiểm, gây tác động không tốt tới não bộ, hệ thần kinh hoặc cột sống.

3. Lựa chọn bài tập phù hợp, tập điều độ, hít thở đúng cách

Đừng cố gắng “gồng mình” hoặc “căng sức” để tập luyện với cường độ mạnh, không phù hợp với sức khỏe của mình bạn nhé. Tập luyện quá độ cũng khiến cho tình trạng đau nhức đầu ngày càng nặng nề hơn.

Vì vậy, bạn nên lựa chọn dạng bài tập phù hợp với sức khỏe của mình, tránh tập luyện quá sức. Và trong khi tập luyện, bạn nên hít thở đúng cách để duy trì sức khỏe ổn định.

4. Tránh bỏ bữa hoặc ăn quá no khi tập

Trước khi bắt đầu tập thể dục, bạn nên đảm bảo bữa ăn trước đó đẫ nạp đủ dinh dưỡng để có thể hạn chế tình trạng hạ đường huyết khi vận động lâu dài, cũng như hạn chế gặp phải triệu chứng đau đầu. Ngoài ra cũng không nên ăn quá no rồi đi tập ngay vì sẽ làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe.

 

5. Đảm bảo giấc ngủ tốt

Giấc ngủ tốt rất cần thiết cho những người đang bị cơn đau đầu hành hạ, ngủ đủ giấc góp phần quan trọng giúp cải thiện lưu lượng tuần hoàn máu não, nhờ đó khắc phục tình trạng tập thể dục bị đau đầu.

Bạn nên cải thiện giấc ngủ của mình bằng các biện pháp như: tạo không gian, môi trường ngủ thoải mái và thoáng mát, nên ngủ đủ mỗi ngày khoảng 7 tiếng, hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ, có thể ngâm chân tay bằng nước ấm nóng trước khi đi ngủ…

6. Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định khi tập

Nhiệt độ trong không gian, môi trường tập luyện cũng tác động không nhỏ tới tuần hoàn máu não và là yếu tố làm tăng nguy cơ gây đau đầu.

Bởi khi tập luyện trong môi trường quá nóng bức, nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường khiến da đổ nhiều mồ hôi, gây ra cơn đau nhức nửa đầu. Vì vậy, trong quá trình tập luyện thể dục thể thao, bạn nên kiểm soát tốt thân nhiệt, cần làm mát cơ thể sau khi tập luyện để tránh bị đau đầu.

Tập thể dục bị đau đầu có thể là một biểu hiện đơn thuần hoặc cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải một bệnh lý nguy hiểm. Hy vọng rằng bài viết đã giúp cho bạn có thêm nhiều kiến thức khách quan về hiện tượng này. Chúc bạn sẽ sớm thoát khỏi đau đầu để nhanh chóng có sức khỏe tốt, hạnh phúc trong cuộc sống.

 

DS. Hương Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //