Tại sao các chùa không ngừng tổ chức cúng sao giải hạn?
"Thay vì khuyên người dân ngừng cúng sao giải hạn, các chùa chiền cần phải ngừng ngay hoạt động này vì điều này trái với giáo lý nhà Phật", độc giả Nguyên Nhật lên tiếng.
Tại sao các chùa không ngừng tổ chức cúng sao giải hạn?
Chia sẻ sau bài viết Cúng sao giải hạn chẳng khác gì vung tiền mua sự an ủi, bạn đọc Nguyên Nhật cho rằng: “Thay vì khuyên người dân hãy ngừng việc cúng sao, giải hạn thì chính bản thân các chùa chiền Phật giáo nên ngừng ngay việc tổ chức cúng sao giải hạn vì điều này trái với giáo lý nhà Phật, ngược lại với lời dạy của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn”.
Dù hiện nay, một số chùa đã ngừng việc cúng sao và thay bằng tụng kinh dược sư hay tổ chức những buổi giảng pháp thì khá nhiều chùa khác vẫn tổ chức cúng sao giải hạn một cách rầm rộ, hoành tráng.
Chùa chiền nên ngừng ngay cúng sao giải hạn
“Nếu việc cúng sao, giải hạn được khép vào việc vi phạm giới luật nhà Phật thì chính các Tăng, Ni ở chùa sẽ là người phải giải thích và sám hối trước tiên với Đức Phật về việc làm sai chánh pháp này”, bạn đọc Nguyên Nhật nói.
Cùng quan điểm, bạn Mai Pham Van đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo hãy cấm các nhà tu hành, trụ trì các chùa tổ chức hầu đồng, cúng dâng sao giải hạn.
“Hiện tại ở các chùa nhỏ, chùa tư nhân của các nhà sư tự xây ở Hà Giang đang tổ chức cúng dâng sao mỗi hộ mất 350.000 đến 500.000 đồng/hộ gây lo sợ cho mọi người, gây mất đoàn kết trong gia đình và cộng đồng”, độc giả này phản ánh.
Bạn đọc Đình Thuy cũng bày tỏ muốn việc cúng sao giải hạn và đốt vàng mã không xảy ra thì chính đạo Phật phải là kênh tuyên truyền mạnh mẽ nhất. “Chùa không tổ chức cúng sao giải hạn thì mọi người đi đâu để làm việc này. Đốt vàng mã cũng thế, chùa không cho phép đốt thì thử hỏi người dân đốt làm gì?”.
Liên quan đến hoạt động này, nhiều người cho rằng cúng sao giải hạn thể hiện sự mê tín, trông chờ vào những thứ trên trời rơi xuống. Sống tốt thì điều tốt đẹp sẽ đến, sống không tốt thì thần thánh không ăn hối lộ để bỏ qua đâu.
Có thờ có thiêng?
Tuy nhiên, có không ít người vẫn giữ quan điểm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” khi tham gia lễ cúng sao giải hạn. Bạn Nguyễn Quang Đức cho rằng đời sống con người có vô số ràng buộc khiến họ sợ hãi.
Nhiều người coi cúng sao giải hạn đầu năm là việc phải làm để phòng tránh tai ương, rủi ro trong năm. Ảnh: Tiến Tuấn.
“Đốt vàng mã không phải là sai, nhưng đốt nhiều quá thì đúng là lãng phí bởi vì tâm mình có bao nhiêu thì người âm nhận được bấy nhiêu tương ứng thôi chứ không thể nhận hơn được. Còn cúng sao giải hạn cũng vậy cũng chẳng sai, con người cúng gì đi nữa vẫn không thoát khỏi sinh lão bệnh tử, luân hồi, nhân quả nhưng trước mắt vẫn cần nhờ các vị thần thánh giúp đỡ phần nào”, bạn đọc này chia sẻ.
Phản bác lại quan điểm cúng sao giải hạn không xuất phát từ Phật giáo nên cần phải loại bỏ, bạn đọc Việt Dương cho rằng mỗi thời mỗi thế, đã hình thành một nét dân gian, và sống trong tâm mỗi người dân Việt, vì vậy nên nhớ cha ông mình vẫn tin theo sao, hạn. Do đó, việc tin hay không là tuỳ vào mỗi người, sao phải đề xuất bỏ rồi bảo là mê tín.
Thực tế, những quan điểm này cũng từng được nhắc đến trong các sách về tín ngưỡng. Sách Tín ngưỡng, phong tục và những kiêng kỵ dân gian Việt Nam do Ánh Hồng biên soạn, nêu: từ xưa, người Việt tin rằng vào một tuổi nhất định, người ta thường gặp những chuyện không may. Muốn giảm nhẹ điều này, người ta thường cúng giải sao (dâng sao giải hạn) vào đầu năm hoặc hàng tháng. Lễ dâng sao giải hạn có thể thực hiện tại chùa hay tại nhà.
Tuy nhiên, phản ứng lại quan điểm này, bạn đọc Tot Lan cho rằng: Việc nào sai là sai, đã sai phải sửa. Cha sai con sửa là tốt sao phải cố chấp là lâu hay chưa lâu?
Nhiều ý kiến cũng cho rằng dù có thờ cúng kiêng cữ đủ thì khi làm sai vẫn vào vòng lao lý hết, không thần thành nào đỡ nổi. “Tóm lại, xã hội văn minh rồi, bà con mê tín vừa thôi”, một bạn đọc viết.
Dù đại diện phía Phật giáo khẳng định cúng sao giải hạn không có trong kinh sách nhà Phật thì hoạt động này vẫn diễn ra rất phổ biến tại các chùa. Tại Hà Nội, chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở) nổi tiếng với các lễ cúng dân sao giải hạn. Thậm chí, vào các lễ lớn, người dân đến chùa cầu cúng còn ngồi tràn lên cả phần cầu vượt Ngã Tư Sở. Trên quan điểm của người nhà Phật, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, nhấn mạnh đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín, dị đoan. Nhưng hiện nay vẫn còn một số cư sĩ phật giáo tiếp tay cho mê tín như các tập tục cúng sao, tổ chức xin xăm, cúng sao, xem tướng, xem ngày giờ tốt xấu. Việc này cần phải bị cấm. |