Sơn hải kinh - sách hay về quái thú cho dịp Halloween
Sơn hải kinh - một kỳ thư đã ra đời cách đây hơn 3.600 năm nói về quái thú rất phù hợp cho cho ngày Halloween.
Sơn hải kinh, một kỳ thư đã ra đời cách đây hơn 3.600 năm
Nếu phải chọn lựa một cuốn sách thích hợp nhất để đọc trong dịp lễ Halloween thì đó chính là Sơn hải kinh, một kỳ thư đã ra đời cách đây hơn 3.600 năm, trong đó mô tả vô số loài động vật kỳ quái, kinh dị vốn chỉ có trong truyền thuyết và trí tưởng tượng của người cổ xưa.
Sơn hải kinh là cuốn sách được cho là sớm nhất trong lịch sử loài người, vào khoảng 3.600 năm trước. Như tên gọi, cuốn sách này ghi chép tỉ mỉ núi non, sông ngòi, biển hồ ở các vùng lãnh thổ Trung Quốc cổ đại. Sách được chia thành Sơn kinh và Hải kinh, gồm cả thảy 18 cuốn với khoảng 3 vạn chữ.
Việc khảo cứu địa lý trong Sơn hải kinh được thực hiện theo phương pháp rất khoa học khiến chúng ta phải ngỡ ngàng về khả năng tìm hiểu, khám phá của người xưa, nhưng điều là độc giả kinh ngạc hơn đó chính là óc tưởng tượng vô biên của cổ nhân thông qua sự mô tả các loại động vật kỳ quái xuất hiện trong sách.
Ví dụ, có một loại thú, hình dáng như khỉ nhưng tai màu trắng, có thể bò rạp mà đi, lại cũng có thể đi thẳng như người, tên gọi là Sinh Sinh, ăn thịt nó sẽ có thể đi lại rất giỏi. Hoặc lại có loại thú, hình dáng như ngựa mà đầu màu trắng, hoa văn vằn vện như hổ, đuôi màu đỏ, tiếng kêu nghe như tiếng người ta hát, tên gọi là Lộc Thục, mang theo bên người thì sẽ có thể sinh nhiều con cháu.
Hay như: “Đi tiếp về phía đông ba trăm dặm thì tới núi Cơ, mặt nam núi có nhiều ngọc, mặt bắc núi có nhiều cây lạ. Ở đấy có một loại thú, hình dáng như dê nhưng lại có chín cái đuôi, bốn cái tai, mắt mọc ở trên lưng, tên gọi là Bác Thi, mang nó theo mình sẽ không biết sợ hãi. Ở đấy có một loại chim, hình dáng như gà nhưng có ba cái đầu, sáu con mắt, sáu cái chân, ba cái cánh, tên gọi là Biệt Phục, ăn được nó sẽ không cảm thấy buồn ngủ”.
Những ví dụ như thế nhiều cơ man trong Sơn hải kinh. Có thể khẳng định, đây chính là một cuốn bách khoa toàn thư về những loại động thực vật quái dị mà con người có thể tưởng tượng ra, xứng đáng làm tổ sư của các loại quái vật trên trần đời này vậy.
Hầu như không có động vật nào bình thường những thế giới động vật mà chúng ta đã biết. Từ thú đến chim, từ người đến trùng đều là những sinh vật được lắp ghép từ các bộ phận của các loại động vật khác như mặt hổ, đuôi trâu, bờm ngựa, tay chân như của người, như thể đó là gợi ý để hình tượng gớm ghiếc Frankenstein được hình thành bởi các mảnh cơ thể khác nhau.
Hoặc không thì đó là những con vật có 5 chân, 6 mắt, 4 tai hoặc mắt nằm trên lưng, chân mọc trên mặt, vô cùng quái dị khiến chúng ta phải ngả mũ kính phục về trí tưởng tượng phong phú không giới hạn đó. Liệu có phải những thứ này nảy sinh từ những quái thai, dị dạng xuất hiện ở một môi trường có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cực kỳ đặc dị hay không?
Nổi trội nhất là hầu hết những quái thú, quái điểu, quái ngư này đều có đặc tính huyền thoại. Ví dụ, loại chim Chu, hình dáng giống diều hâu, chân như tay người, tiếng kêu như tiếng con phi, xuất hiện ở huyện nào thì huyện ấy có nhiều người bị lưu đày.
Hay con Trường Hữu, hình dáng như khỉ mà có bốn cái tai, tiếng kêu nghe như tiếng người ta rên rỉ, xuất hiện ở quận huyện nào thì nơi ấy có nạn lụt lớn. Hoặc như con Hoạt Hoạt có hình dáng như người mà lại có lông bờm lợn, sống trong hang, mùa đông thì ngủ, tiếng kêu nghe như tiếng chặt cây, xuất hiện ở huyện nào thì chỗ ấy phải chịu lao dịch nặng…
Những điều này quả thực chưa từng xuất hiện ở bất cứ cuốn sách nào, ở nền văn hoá huyền thoại nào bởi vì nó vừa thực vừa ảo, vừa chi tiết lại đậm tính huyễn hoặc, hơn hẳn những cuốn sách có nói về quái thú như thần thoại Hy Lạp, thần thoại Bắc Âu, Chúa tể của những chiếc nhẫn hay Harry Potter…
Song nếu như chỉ đọc mô tả không thì sức hấp dẫn của Sơn hải kinh đã không mãnh liệt và kích thích sự tò mò của độc giả đến như thế. Những sinh vật kỳ dị đó đều được minh hoạ bằng các bức tranh xuất hiện rất nhiều trong sách khiến việc đọc Sơn hải kinh trở nên cuốn hút hơn.
Đồ hình gốc của Sơn hải kinh sớm đã thất truyền, không thể tìm lại được. Để bổ khuyết cho sự nuối tiếc này, rất nhiều họa sư đời sau đã căn cứ vào nội dung sách, lại kết hợp với trí tưởng tượng của bản thân đễ vẽ hình minh họa cho Sơn hải kinh.
Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Hồ Văn Hoán với Sơn hải kinh đồ, Tưởng Ứng Cảo với Sơn hải kinh đồ hội toàn tượng, đều khắc in vào thời nhà Minh; Ngô Nhâm Thần với Tăng bổ hội tượng Sơn hải kinh quảng chú, Uông Phất với Sơn hải kinh tồn, Tất Nguyên với Sơn hải kinh đồ chú nguyên bản, Thành Hoặc Nhân với Sơn hải kinh hội đồ quảng chú, đều khắc in vào thời nhà Thanh.
Đặc biệt ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo, có một họa sư vô danh đã để lại một cuộn tranh màu tên gọi Quái kỳ điểu thú đồ quyển, trong tranh hoàn toàn là các loại quái thú được miêu tả trong Sơn hải kinh.
Ở bản Sơn hải kinh xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam này có hình ảnh từ các bản khắc in cổ, các bức tranh cổ, sao cho đồ hình và văn tự có thể kết hợp với nhau một cách tốt nhất, từ đó mang tới cho độc giả một cái nhìn đa chiều. Các bức tranh trong cuốn Sơn hải kinh này chủ yếu được lấy từ các nguồn như sau:
- Sơn hải kinh đồ hội toàn tượng của Tưởng Ứng Cảo, bản in vào khoảng những năm Vạn Lịch nhà Minh (1563-1620).
- Tăng bổ hội tượng Sơn hải kinh quảng chú của Ngô Nhâm Thần, bản in năm Càn Long thứ 51 đời nhà Thanh (1786).
- Quái kỳ điểu thú đồ quyển của tác giả vô danh người Nhật Bản, vẽ vào thời kỳ Edo (1603-1868).
- Sơn hải bách linh đồ quyển của một tác giả vô danh, vẽ vào khoảng thời nhà Minh (1368-1644).
- Boxer Codex của một tác giả vô danh người Tây Ban Nha, ra đời vào khoảng năm 1590, hiện được lưu giữ tại Thư viện Lilly ở Đại học Indiana, Mỹ.
- Hải quái đồ ký của một tác giả vô danh người Trung Quốc.
Nhờ số lượng tranh đa dạng, được vẽ theo nhiều phong cách mà sự mới lạ luôn xuất hiện trong từng trang sách của Sơn hải kinh. Có thể nói, nếu phần văn là phần hồn thì phần tranh chính là thể xác của cuốn sách này. Cả hai bổ khuyết cho nhau biến Sơn hải kinh thành một cuốn kỳ thư đệ nhất thiên hạ.