Sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh, bé 10 tháng đối mặt với tử thần
Theo các bác sĩ nguy cơ phản vệ có thể xảy ra ở mọi nơi, không báo trước và cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần xử lý chậm trễ một phút cũng có thể khiến bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong.
Bệnh nhi 10 tháng bị sốc phản vệ do tiêm kháng sinh đã được cấp cứu kịp thời.
Một bệnh nhi 10 tháng tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch vừa được các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu thành công.
Bệnh nhi là cháu N.N.A (ở Bắc Quang - Hà Giang) nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Trong quá trình điều trị bệnh nhi đã được chỉ định dùng thuốc Cefotaxim 2g (Biotax 2g) đường tiêm tĩnh mạch trong 5 ngày.
Sáng ngày 25/10/2018, 5 phút sau khi trẻ được tiêm cefotaxim 2g (Biotax 2g) cháu A. xuất hiện quấy khóc, đỏ vùng cổ, mặt, ngực, tím môi, gốc mũi, mạch 150 lần/phút. Ngay lập tức điều dưỡng tại buồng đã phát hiện, ấn chuông báo động, các bác sỹ xác định nhanh bệnh nhi bị phản vệ, y lệnh tiêm Adrenalin đợt 1 ngay lập tức được thực hiện.
Ống Adrenalin luôn được lấy sẵn trong bơm kim tiêm tại Hộp thuốc chống phản vệ của bệnh viện.
Sau 5 phút trẻ nổi vân tím toàn thân, da tím tái, mạch 140 lần/ phút, nồng độ Oxy trong máu 96%, y lệnh tiêm Adrenalin đợt 2. Sau hai đợt tiêm Adrenalin tình trạng của trẻ diễn biến xấu, mạch 230 lần/ phút, tím tái toàn thân, các bác sỹ tiếp tục tiêm adrenalin đợt 3, bóp bóng oxy qua Mask chuyển khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) đặt nội khí quản thở máy, dùng adrenalin truyền liên tục. Bệnh nhi trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, các chỉ số biến đổi liên tục, bác sỹ khoa Nội Nhi – Đông Y phối hợp cùng các bác sỹ khoa HSCC bệnh viện theo dõi sát bệnh nhi.
Sau 3 giờ cấp cứu tích cực bệnh nhi được bỏ thở máy chuyển thở oxy kính. Sau 12h trẻ không phải thở oxy, ăn tốt tình trạng sức khỏe ổn định.
Chia sẻ về trường hợp sốc phản vệ của bệnh nhi N.N.A, bác sỹ Lương Minh Tuấn – Trưởng khoa HSCC bệnh viện cho biết: Với trường hợp bệnh nhi quá nhỏ (mưới chỉ 10 tháng tuổi) và đã sử dụng liên tiếp 3 đợt adrenalin nhưng tình trạng tình trạng phản vệ không có chiều hướng thuyên giảm, chúng tôi đã quyết định truyền adrenalin qua đường tĩnh mạch liên tục. Sau khi được cấp cứu kịp thời hiện tại bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi sát tại khoa.
Bác sỹ Tuấn cũng cho biết thêm: Với trường hợp sốc phản vệ này, các bác sỹ và điều dưỡng đã kịp thời phát hiện sớm và ngay lập tức thực hiện đúng phác đồ xử lý phản vệ mới nhất của Bộ Y tế. Đồng thời kết hợp thực hiện báo động đỏ nên bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.
Xem thêm Clip: Chỉ với biểu hiện ho, mẹ KHÔNG NGỜ bé gái 5 tháng tuổi bất ngờ NGỪNG THỞ