Sinh con tại nhà ở nước ngoài khác với sinh con 'thuận tự nhiên' ở Việt Nam như thế nào?
Trên thực tế ở nước ngoài cũng có một số sản phụ lựa chọn hình thức sinh nở tại nhà, tuy nhiên hình thức này có gì khác so với trào lưu sinh con "thuận tự nhiên" ở Việt Nam?
Hình ảnh em bé kèm chia sẻ của người mẹ sinh con "thuận tự nhiên" ở Hưng Yên được chia sẻ trên MXH
Mấy ngày nay, câu chuyện vê người mẹ ở Hưng Yên khoe về thành tích ''sinh con thuận tự nhiên'' khiến dự luận xôn xao.
Theo thông tin chia sẻ trên trang cá nhân của người mẹ này thì khi sinh, chị không đến bệnh viện hay cơ sở sinh nở nào mà tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ cho chính mình. Sau khi sinh, em bé được thực hiện phương pháp liên sinh, không cắt dây rốn ngay, da kề da liên tục 4 giờ sau sinh và bé tự tìm ti mẹ sau 30 phút. Đặc biệt, người mẹ không cắt dây rốn ngay mà nhau thai vẫn được gắn với cơ thể em bé cho đến khi tự rụng rốn mấy ngày sau.
Dù chưa chứng thực được nguồn gốc thông tin này nhưng ngay lập tức hàng trăm bình luận đã được đưa ra. Nhiều ý kiến phản đối hành động phản khoa học này của bà mẹ, nhưng cũng có nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng việc sinh đẻ là một việc tự nhiên, đơn giản và có thể tự làm được tại nhà.
Trao đổi với PV Đời sống Plus, BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa Sản - Trung tâm Y tế Thái Hà cho biết, mặc dù sinh con tại nhà là một trong những phương pháp được sản phụ ở các nước phát triển trên thế giới lựa chọn, nhưng không có nghĩa là các bà mẹ phó mặc hoàn toàn cho tự nhiên, bởi thực tế thì sinh con vẫn là quá trình cần rất nhiều sự hiểu biết về y tế.
Theo BS Dung, ở nước ngoài cũng có một số người lựa chọn phương pháp sinh con tại nhà. Tuy nhiên cách sinh nở này tại các nước tiên tiến khác rất nhiều với trào lưu sinh con "thuận tự nhiên" đang rộ lên thời gian gần đây.
BS Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa sản Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội)
Cũng theo BS Dung, việc sinh con tại nhà ở nước ngoài được cho phép khi mà người mẹ và gia đình đảm bảo được một quy trình chặt chẽ từ người hộ sinh, các bệnh viện hiện đại ở gần sẵn sàng trợ giúp 24/7 và bản thân người mẹ cũng đã chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kiến thức, các điều kiện cần thiết cho quá trình sinh nở của mình.
"Còn việc sinh con ''thuận tự nhiên'' như bà mẹ trên làm là phản khoa học. Bởi từ thời rất lâu rồi khi kinh tế thiếu thốn, ở vùng nông thôn, nhiều bà mẹ mới phải lựa chọn sinh con tại nhà. Tuy nhiên, việc sinh con tại nhà, sản phụ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như băng huyết, mất tim thai (do không theo dõi được tim thai). Nếu không may xảy ra các tai biến sản khoa thì sẽ khó xử lý kịp thời và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cả mẹ và bé"- BS Dung nói.
Bác sĩ Dung cũng phản đối kịch liệt việc người mẹ không cắt dây rốn cho con sau khi sinh bởi đây là việc làm nguy hiểm có thể khiến em bé bị nhiễm trùng máu
''Khi sinh con xong, ở nước ngoài sẽ không bao giờ có chuyện không cắt rốn, không tiêm vacxin cho em bé. Bởi nhờ có vacxin tuổi thọ con người được kéo dài hơn và tránh được nhiều đại dịch nguy hiểm. Vậy mà những người mẹ theo trào lưu "thuận tự nhiên" lại cổ xuý cho việc không tiêm vacxin và coi tiêm vacxin là "tiêm thuốc độc" thì tôi cho rằng điều này quá mông muội"- BS Dung nói.
Cũng theo BS Dung, việc không tiêm vacxin khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lao, viêm gan B hay vitamin K tiêm cho trẻ mới sinh là biện pháp dự phòng chủ động, tránh hiện tượng xuất huyết não - màng não hay gặp ở trẻ lúc khoảng 1 tháng tuổi.
Với người mẹ, nếu không tiêm vacxin uốn ván trước sinh cho con sẽ rất nguy hiểm bởi sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm cho tính mạng.
BS Dung cũng cho biết thêm, ngay tại các nước phương Tây, người mẹ được khuyến cáo không nên sinh con tại nhà trong các trường hợp như: mẹ mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, người mẹ có nguy cơ biến chứng như sinh non, tiền sản giật hoặc thai ngôi mông, người mẹ từng sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung, gười mẹ nghĩ rằng mình không thể chịu đựng được cơn đau đẻ trong quá trình chuyển dạ, không có người hộ sinh có chuyên môn, bằng cấp và kinh nghiệm hỗ trợ trong suốt quá trình sinh nở....
Sinh con tại nhà ở các nước phương Tây luôn có chuyên gia y tế hỗ trợ
Những điều kiện tiên quyết để sinh con tại nhà ở các nước phương Tây
Thống kê cho thấy mặc dù số lượng những phụ nữ lựa chọn tự sinh con ở nhà rất thấp, chưa đến 2% số sản phụ trên toàn thế giới, nhưng xu hướng này vẫn đang nhận được rất nhiều sự chú ý đi kèm cả những tranh cãi ngay tại các nước đó.
Sinh con tại nhà ở các nước phương Tây chỉ được khuyến khích và được coi là lý tưởng với các điều kiện sau:
- Người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, tất cả các nguy cơ đều thấp.
- Phải có mặt một nữ hộ sinh hay bác sĩ được đào tạo và có kinh nghiệm.
- Việc sinh tại nhà cũng cần phải được tìm hiểu, lên kế hoạch kỹ càng từ trước.
- Rất cần một bệnh viện hiện đại ở gần nơi sinh để cả mẹ và bé có thể được chuyển đến tức thì trong những trường hợp khẩn cấp.
Khi sinh con tại nhà, các nữ hộ sinh chuyên nghiệp được đào tạo, cấp chứng nhận hành nghề, có các vật tư y tế cần thiết sẽ là người chăm sóc người mẹ xuyên suốt trong quá trình sinh nở.
Các nữ hộ sinh được đào tạo để xử lý cho các tình huống khẩn cấp (nếu không may xảy ra), có tay nghề để khâu vết thương cho mẹ; cung cấp thuốc tra mắt, vitamin K cho bé; tiêm ngừa vacxin viêm gan B hay một số loại thuốc phổ biến cho mẹ nữa. Về cơ bản, các nữ hộ sinh đã được đào tạo để đảm bảo cung cấp một dịch vụ sinh con tại nhà đúng chuẩn.
Thay vì nghỉ ngơi ở bệnh viện trong khoảng 48 giờ sau sinh, 6 tuần sau trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe thì việc sinh con ở nhà lại đòi hỏi quá trình thăm khám cẩn thận hơn. Người mẹ sẽ phải trao đổi kỹ càng với nữ hộ sinh về những vấn đề chi tiết. Nữ hộ sinh sẽ quay lại vài lần một ngày trong những ngày đầu sau sinh và ghé qua lại thường xuyên trong vòng hai tuần để kiểm tra tình trạng mẹ và bé.
Những lợi ích và rủi ro khi sinh con tại nhà ở các nước phương Tây
Tự sinh con tại nhà ở nước ngoài, sản phụ cũng phải đối diện với những nguy cơ nếu không may xảy ra tai biến sản khoa
- Khi sinh con tại nhà, người mẹ thường được ở trong một môi trường thân thuộc, thoải mái với mình, bên cạnh là gia đình, bạn bè, người thân khi sinh con.
- Người mẹ cũng có quyền kiểm soát việc sinh nở khi có thể quyết định được những yếu tố trong không gian mà mình mong muốn, thoải mái yêu cầu điều cần thiết cho bản thân.
- Việc sinh nở cũng được hạn chế các biện pháp can thiệp bằng y tế tối đa. Người mẹ cũng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chú ý, chăm sóc, quan sát và theo dõi từ một nữ hộ sinh có chuyên môn.
- Sợi dây kết nối giữa mẹ và bé cũng sâu sắc, rõ ràng hơn khi mẹ được da tiếp da với em bé của mình.
- Mẹ cũng có thể thực hiện cho con bú sữa mẹ ngay sau khi sinh, mang lại những lợi ích rất lớn cho cả hai mẹ con.
- Và cuối cùng, việc sinh con ở nhà sẽ ít tốn kém hơn khi sinh con trong bệnh viện.
Những rủi ro có thể phải đối mặt khi sinh con tại nhà
- Nếu không thể chịu đựng nổi những cơn đau trong quá trình chuyển dạ thì không được lựa chọn việc gây tê ngoài màng cứng.
- Khi có các biến chứng xảy ra: kiệt sức do chuyển dạ, vỡ ối non, suy thai, sa dây rốn, xuất huyết, người mẹ phải ngay lập tức phải được đưa đến bệnh viện gần nhất.
- Ý định sinh con tại nhà cũng có thể không nhận được sự đồng thuận từ gia đình, bạn bè và các bác sỹ.
- Người mẹ phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình cũng như phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình sinh nở.
- Việc sinh con tại nhà cũng khiến người mẹ mất đi sự riêng tư khi có mặt người thân hoặc bạn bè ở đó, điều này vô tình còn tạo áp lực khiến ca sinh nở không diễn ra như ý.
Clip: Mẹo gọi sữa về cực nhanh cho các mẹ mới sinh