"Siêu bão" quét qua chính trường Hàn Quốc, "tâm bão" bắt nguồn từ "bà phù thủy"

04-11-2016 11:34:14

Mọi chuyện bắt đầu kể từ tuần trước khi các tài liệu mật bị tiết lộ nói rằng bà Park Geun-hye bị một người phụ nữ khác đứng đằng sau điều khiển, người được cho là một "bà phù thủy".

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng

Mọi chuyện bắt đầu kể từ tuần trước khi các tài liệu mật bị tiết lộ nói rằng bà Park Geun-hye bị một người phụ nữ khác đứng đằng sau điều khiển.

Trong một buổi truyền hình trực tiếp phát sóng trên toàn quốc hôm 25/10, Tổng thống Park công khai về mối quan hệ thân thiết với người phụ nữ trên và nói rằng bà từng được người phụ nữ kia giúp đỡ “khi gặp khó khăn” trong quá khứ.

Chẳng hạn Tổng thống Park đã tham khảo về các bài phát biểu và các vấn đề quan hệ công chúng trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2012 và trong một khoảng thời gian không xác định sau khi bà Park tuyên thệ nhậm chức vào năm 2013.

Điều đáng nói là người phụ nữ bí mật trên không hề nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ Hàn Quốc. Chính điều này đã khiến cho giới truyền thông ngờ rằng người phụ nữ này còn đứng đằng sau can thiệp vào nhiều vấn đề quan trọng khác của nhà nước.

Tuyên bố của Tổng thống Park hôm 25/10 ngay lập tức lên các mặt báo lớn và cả các kênh truyền hình trong nước.

Choi Soon-sil, người được cho là căn nguyên của bê bối chính trị Hàn Quốc hiện nay

Nhiều người dân Hàn Quốc còn tin rằng lời thú nhận của bà Park mới chỉ là phần nổi của một tảng băng, và rằng người đàn bà kia đã dính líu rất sâu vào các công việc của chính phủ từ hậu trường.

Lời thú nhận của Tổng thống Hàn Quốc không những không thể trấn an dư luận, mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn liên quan tới vai trò của một người ngoài trong chính phủ của bà Park.

Lời thú nhận trên dường như còn làm trầm trọng hơn những chỉ trích trước đây cho rằng bà Park không minh bạch trong việc điều hành.

Ngay sau khi vụ việc vỡ lở, người đàn bà bí mật sau lưng Tổng thống Park đã trốn sang Đức. Nhưng đến ngày 30-10, bà này trở về Hàn Quốc. Vậy người đàn bà này là ai mà khiến cả hệ thống chính trị ở Seoul phải chao đảo?

Theo báo chí Hàn Quốc, người từng bí mật “giúp” Tổng thống Park trong nhiều năm qua chính là Choi Soon-sil, người chị em thân thiết của bà Park.

Choi Soon Sil được mệnh danh là “Raspoutine Hàn Quốc” - tên của một cố vấn Nga có ảnh hưởng trong triều đình của Hoàng đế Nicolas đệ nhị và góp phần làm sụp đổ triều đại Romanov ở Nga hồi đầu thế kỷ 20.

Choi Soon-sil là con gái ông Choi Tae-min, người sáng lập một giáo phái bí ẩn có tư tưởng trộn lẫn giữa Phật giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng bản địa.

Năm 1974, thời điểm cha bà Park Geun-hye là Tổng thống Park Chung-hee còn cầm quyền, bi kịch ập đến khi mẹ của bà bị ám sát.

Chưa rõ bằng cách nào nhưng ông Choi đã tiếp cận được nữ tổng thống tương lai ngay lúc bà đang đau buồn nhất.

Ông này tuyên bố đã “được linh hồn đệ nhất phu nhân Yuk Young-soo báo mộng để nhờ giúp đỡ con gái bà”. Thế là ông Choi trở thành cố vấn thân cận, luôn theo sát bà Park trong mọi hoạt động.

Khủng hoảng càng gỡ càng rối

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người đang hứng chịu cơn bão chỉ trích trong vụ bê bối chính trị được xem là lớn nhất từ trước đến nay ở nước này, có vẻ như đang tự gây thêm rắc rối cho chính mình - hãng tin CNBC nhận xét.

Bà Park đã mạnh tay cải tổ nội các bằng cách thay Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ An ninh và An toàn công cộng.

Đợt thay đổi nhân sự Chính phủ được đánh giá là một nỗ lực của bà Park nhằm xoa dịu cơn bất bình của dư luận đối với vụ bê bối đang loang rộng khiến đảng cầm quyền chao đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia nói với CNBC rằng việc bà Park cải tổ nội các có thể hại hơn là lợi.

“Trái với kỳ vọng của bà Park, việc bất ngờ thay đổi nhân sự này phản tác dụng. Những người phản đối bà ấy càng thêm giận dữ vì tin rằng cách làm như vậy là một chiến lược để duy trì kiểm soát và không phù hợp với những kế hoạch đang được tính đến về một nội các trung lập, trong đó Thủ tướng được trao quyền hoạch định chính sách và bà Park ngồi ghế sau”, nhà phân tích cấp cao về châu Á Scott Seaman thuộc công ty nghiên cứu Eurasia nhận xét.

Ông Seaman cũng nói rằng các đảng đối lập của Hàn Quốc giờ đây có thể sử dụng đa số gộp chung của họ tại Quốc hội để cản trở những nỗ lực của bà Park nhằm đưa ra các ứng cử viên của bà.

Ngoài ra, bà Park sẽ không thể phớt lờ những phản đối của họ, xét đến vị thế mong manh của bà hiện nay.

Có ý kiến nhận định rằng khả năng bà Park giữ được ghế Tổng thống là 70% do bê bối chính trị Hàn Quốc hiện nay

“Bà Park sẽ hoàn thành được nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 5 năm của mình vào tháng 2/2018, nhưng có thể bà ấy sẽ phải từ bỏ địa vị thành viên trong đảng của bà ấy và buộc phải chuyển phần lớn quyền lực cho Thủ tướng mới”, ông Seaman giải thích.

Chuyên gia này nói thêm vai trò của bà Park có thể sẽ bị giới hạn trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh quốc gia.

“Một sự sắp đặt trong đó bà Park bị giảm quyền lực, kết hợp với một vị Thủ tướng và một nội các bảo vệ lợi ích cho cả đảng cầm quyền và các đảng đối lập, sẽ là một sự sắp đặt vừa khó tạo ra, vừa khó quản lý”, ông Seaman cảnh báo.

Mặc dù vậy, ông Seaman kỳ vọng quá trình hoạch định chính sách kinh tế vẫn sẽ diễn ra bình thường bởi các chính trị gia không muốn đẩy cao hơn nữa mức độ giận dữ của công chúng.

Thái Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus //