SGK cho Chương trình mới - bài học từ thực tiễn

18-12-2024 11:02:35

Trang mới trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được mở ra: Thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa...

Ảnh minh họa ITN.

Yêu cầu “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học” theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 đã mở ra một trang mới trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông: Thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.

Sau gần trọn một chu kỳ thực hiện, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cùng chung nhận định, thực hiện Nghị quyết 88, với việc có nhiều hướng tiếp cận các nội dung giảng dạy, giáo viên được phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Thầy, trò được lựa chọn SGK phù hợp trong quá trình giảng dạy, học tập.

Quá trình lựa chọn SGK giúp địa phương, cơ quan quản lý giáo dục, trường học năng động và trách nhiệm hơn đối với hoạt động dạy - học tại địa phương, cơ sở giáo dục của mình. Người dạy, người học được thụ hưởng chất lượng SGK ngày càng tốt hơn với giá thành hợp lý - kết quả từ sự cạnh tranh giữa các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, phát hành SGK. Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách đã có minh chứng thuyết phục về tính hiệu quả, đúng đắn trong thực tiễn.

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học với một chương trình có nhiều SGK cũng có những khó khăn nhất định. Theo chia sẻ của một cán bộ quản lý giáo dục, tiến trình thực hiện nội dung môn học của các bộ SGK thiết kế không giống nhau nên phát sinh khó khăn khi sinh hoạt chuyên môn theo cụm, miền và khi tổ chức các cuộc thi, hội thi môn học cho giáo viên, học sinh.

Việc chuyển trường trong quá trình học tập của học sinh giữa các địa phương gặp khó khăn vì sử dụng các bộ SGK khác nhau. Sử dụng lại những bộ sách từ năm học trước trong mỗi gia đình có con em học ở các lớp dưới khó thực hiện hơn... Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá đâu đó còn khó khăn do cán bộ quản lý, giáo viên có thời gian dài dạy học, kiểm tra, đánh giá theo phương pháp truyền thống cũ, cần thời gian đủ dài để thích nghi, thay đổi kịp với xu thế phát triển.

Thực tiễn triển khai, cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương, nhà trường đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT cũng kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều bài học quý từ thực tiễn triển khai được rút ra, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo triển khai đổi mới thực sự đi vào chiều sâu chất lượng.

Trong đó, một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, cũng là mong muốn từ cơ sở, đó là các nhà xuất bản cần đẩy nhanh tiến độ phát hành sách tới cơ sở giáo dục, đảm bảo học sinh nhận được SGK trước khai giảng ít nhất 1 tháng để có thời gian đọc, tìm hiểu trước khi vào năm học mới. Tăng cường hơn nữa các lớp tập huấn chuyên sâu, buổi sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Cung cấp thêm tài liệu hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và cập nhật thường xuyên để giáo viên có thể dễ dàng nắm bắt và áp dụng…

Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông dạy học theo chương trình và sử dụng SGK; phát hiện khó khăn, bất cập trong quá trình dạy học, báo cáo với cơ quan quản lý để kịp thời có biện pháp giải quyết. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn cấp trường và cụm trường để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên…

Triển khai Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi cao tính chủ động của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên. Do đó, nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục vô cùng quan trọng. Cuối cùng, cũng là yếu tố căn cốt là phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, tầm nhìn và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Thảo Đan
Theo Giáo dục & Thời đại //