Sau vụ 2 sản phụ tử vong do gây tê trong mổ đẻ, Bộ Y tế yêu cầu rà soát chặt
Sau khi xảy ra nhiều ca tai biến sản khoa tại BV Phụ nữ Đà Nẵng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác dự phòng, phát hiện và xử trí tai biến do gây tê vùng giảm đau trong sản khoa.
Hình minh họa về gây tê tủy sống giảm đau trong mổ lấy thai.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện thuộc Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác dự phòng, phát hiện và xử trí tai biến do gây tê vùng giảm đau trong sản khoa.
Chỉ trong 1 tháng vừa qua, tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 3 trường hợp sản phụ gặp tai biến sau khi sử dụng cùng một thuốc gây tê tuỷ sống. Hậu quả làm 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ vẫn đang nguy kịch.
Bộ Y tế cho biết, các ca tai biến này đều có đặc điểm chung là xảy ra sau khi gây tê tủy sống giảm đau trong mổ lấy thai. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành tìm hiểu nguyên nhân.
Trong thời gian chờ kết quả, để kịp thời ngăn chặn các trường hợp tử vong và tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể tiếp tục xảy ra, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên và điều dưỡng làm công tác gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu về dự phòng, phát hiện và xử trí các biến chứng của thuốc tê.
Đặc biệt, phải tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở y tế có thực hiện thủ thuật gây tê vùng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị và thuốc thiết yếu phục vụ cấp cứu các trường hợp tai biến do dùng thuốc tê. Các cơ sở khám chữa bệnh phải rà soát, phát hiện các trường hợp xảy ra biến cố bất lợi liên quan đến thuốc tê (nếu có).
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện Công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29/8/2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai;
Trước đó, ngày 4/6/2019, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 3105/BYT-BM-TE yêu cầu chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai.
Văn bản này yêu cầu các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như bệnh cảnh tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng - nơi xảy ra vụ việc.
Trước đó theo báo cáo ban đầu của Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sản phụ tử vong là V.T.N.S và sản phụ đang nguy kịch là N.T.H..
Chị V.T.N.S. (32 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập Bệnh viện Phụ nữ ngày 17/11để chờ sinh. Sản phụ S. lúc này đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.
Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Tuy nhiên, tới cuối ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và tử vong vào lúc 20h cùng ngày.
Còn trường hợp sản phụ N.T.H. (32 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhập viện lúc 10h50 ngày 17/1. Người phụ nữ này đang mang thai 37 tuần 1 ngày, trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 phút cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ.
Các bác sĩ gây tê tủy sống cho sản phụ nhưng sau đó bệnh nhân có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, bệnh viện tiến hành mổ lấy thai nhi rồi chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, ngày 22/10, một sản phụ tên L.H.P.T. (trú quận Hải Châu) cũng đến Bệnh viện Phụ nữ và tiến hành mổ bắt con. Chị T. cũng tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc với các triệu chứng như hai bệnh nhân trên.