Sau 2 tuần thí điểm học trực tiếp, kế hoạch cho tất cả học sinh đến trường như thế nào?
TP.HCM đang triển khai cho lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp trong tuần thứ 2. Qua hai tuần này, lãnh đạo TP sẽ cân nhắc và dần mở trở lại các khối lớp khác để học sinh được đến trường.
Sẵn sàng cho các khối lớp khác đi học trở lại
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND TP.HCM trong các buổi đi kiểm tra công tác triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn, việc tổ chức học trực tiếp an toàn là khả quan dù vẫn có các ca F0, F1 xuất hiện. Với tín hiệu khả quan này, lãnh đạo các ban ngành đang xem xét, cân nhắc kế hoạch dần dần mở thêm các khối lớp khác để các em được đến trường học tập trực tiếp trở lại.
Trao đổi về điều này, trong cuộc họp giao ban gần đây, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các phòng GD-ĐT ở quận, huyện và TP.Thủ Đức sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp khác đi học trở lại.
Học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du trong ngày đầu đến trường học trực tiếp. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Theo ông Dũng, các đơn vị cần tính toán đến các yếu tố sẽ gây ra ảnh hưởng, các hạng mục phải chuẩn bị để đảm bảo các cơ sở còn lại được đưa vào hoạt động. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ các đơn vị chưa tổ chức dạy học trực tiếp xây dựng kế hoạch an toàn phòng chống dịch, sẵn sàng để triển khai dạy học trực tiếp.
Đối với các cơ sở đang được trưng dụng cho ngành y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch, ông Dũng đề nghị Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải có kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc thu hồi theo kế hoạch của Ban chỉ đạo và tổ chức sửa chữa để sẵn sàng tổ chức dạy và học trong thời gian tới.
Đánh giá tình hình học tập trực tiếp đối với khối 9 và 12 trong tuần đầu triển khai, ông Dũng cho biết các cơ sở giáo dục cơ bản thực tốt việc phòng chống dịch theo kế hoạch của từng trường và thực hiện tốt khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục cơ bản thực hiện tốt công tác dạy học trực tiếp cho học sinh. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Theo vị lãnh đạo Sở GD-ĐT, sau 2 tuần triển khai học tập trực tiếp thì Ban chỉ đạo của TP.Thủ Đức và các quận, huyện sẽ có đánh giá tổng thể. Trên cơ sở đó Sở GD-ĐT, Sở Y tế sẽ phối hợp báo cáo với UBND TP về lộ trình tiếp theo với các học sinh đang học trực tiếp, trực tuyến trong thời gian tới.
Kết thúc 2 tuần thực hiện thí điểm dạy học trực tiếp (13-27/12), học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn TP vẫn sẽ đi học trực tiếp. TP sẽ có 1 tuần để đánh giá, xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.
Đối với những quận, huyện chuyển sang cấp độ dịch cao hơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong kế hoạch chung của TP và hướng dẫn của Sở GD-ĐT đã hướng dẫn cụ thể với từng cấp độ dịch, cho từng bậc học. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương sẽ quyết định việc chuyển đổi trạng thái và các trường căn cứ vào đó để triển khai.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn
Theo ghi nhận của phóng viên, ở một số trường học đã triển khai khảo sát phụ huynh về việc cho con đến trường học trực tiếp trở lại. Ở khối lớp 1, kết quả khảo sát một số trường cho thấy, phụ huynh vẫn còn rất e ngại, lo lắng nên tỷ lệ đồng ý cho con đi học là rất thấp.
Tỷ lệ đồng ý cho trẻ lớp 1 đến trường vẫn còn rất thấp do phụ huynh còn e ngại dịch bệnh. Ảnh giáo viên cung cấp
Một giáo viên tiểu học tại quận 12 chia sẻ, ở lần khảo sát cho học sinh lớp 1 đi học trở lại từ ngày 13/12, lớp của cô có 30/52 phụ huynh không đồng ý cho con đi học, 15/52 phụ huynh đồng ý. Đến lần khảo sát cho con đi học trực tiếp vào tháng 1/2022, tỷ lệ cũng tương tự như lần trước.
"Hầu hết phụ huynh lo lắng việc học sinh lớp 1 còn quá nhỏ, chưa biết cách tự chăm sóc bản thân và phòng chống dịch bệnh nên không yên tâm cho con đến trường. Bên cạnh đó, việc đi học một buổi cũng là một yếu tố khiến phụ huynh băn khoăn, vì họ không thể đưa đi – đón về trong một buổi như vậy được", giáo viên này cho biết.
Việc chia đôi, tách lớp khi tất cả học sinh đi học trở lại là điều kiện khó thực hiện của nhiều trường. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Ở khối lớp lớn hơn, việc tách lớp đảm bảo sĩ số để giãn cách học sinh cũng là vấn đề nan giải với nhiều trường.
Thầy Lý Văn Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết, nhà trường có 30 phòng học nhưng có đến 64 lớp. Mỗi lớp có 44 - 45 học sinh, thậm chí có lớp 46 em. Nếu tổ chức cho học sinh các khối lớp khác đi học trực tiếp trở lại và phải chia đôi, tách lớp thì trường không thể đảm bảo đủ số phòng. Ngay cả khi trường sắp xếp lệch buổi cũng không thể đáp ứng được điều kiện này.
Tương tự, thầy Nguyễn Hùng Khương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng cho rằng, việc đảm bảo yêu cầu về khoảng cách, sĩ số học sinh/lớp là rất khó khăn, không thể đáp ứng.
Thầy Khương cho biết, việc phải áp dụng chia đôi, tách lớp không chỉ khó thực hiện khi học sinh toàn trường đi học trực tiếp trở lại mà còn tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên.