Sau 1 năm thí điểm “bảo bối” của Nhật, đàn cá Koi ở Hồ Tây giờ ra sao?

16-05-2020 14:38:15

Một số lượng cá Koi và cá chép thả xuống khu thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản ở hồ Tây đã trốn ra ngoài do những tấm tôn quây hoen rỉ, hư hỏng.

Nhìn lại 1 năm khi “bảo bối” của Nhật xuất hiện

Ngày này đúng 1 năm về trước (16/5/2019), Hà Nội bắt đầu đưa vào thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để làm sạch sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Dự án do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Những chiếc máy sục khí Nano cùng các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được đặt xuống những nơi nước ô nhiễm với mục đích chứng minh khả năng khử mùi hôi thối và làm trong nguồn nước của “bảo bối” Nhật.

Khu thí điểm một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản vẫn được duy trì sau 1 năm.

Dự án thí điểm ban đầu dự định kéo dài 2 tháng nhưng do gặp sự cố xả nước hồ Tây nên đã phải kéo dài lên 4 tháng. Sau một thời gian thử nghiệm, người dân cảm nhận được mùi hôi thối giảm, nước trong khu xử lý có sự thay đổi so với bên ngoài.

Để chứng minh nước trong khu xử lý bằng “bảo bối” của Nhật đạt chuẩn, chuyên gia Nhật Bản còn dùng chính nước đó để tắm. Đến ngày 16/9/2019, khi hết hạn 4 tháng thử nghiệm, chuyên gia Nhật cùng công ty JVE cho thả hàng trăm con cá chép Việt Nam cùng cá Koi xuống những khu xử lý.

Tuy nhiên, khu xử lý này đã bắt đầu hư hỏng. Những tấm tôn quay hoen rỉ, bạt rách… 

Bức tường quây hư hỏng khiến việc xử lý bị ảnh hưởng và một số cá thả bên trong khu xử lý xổng ra ngoài hồ.

Sau khi hết hạn thử nghiệm, Hà Nội đánh giá cao và hoan nghênh việc làm của các chuyên gia Nhật Bản. UBND TP. Hà Nội đề nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản chuẩn bị, gửi Sở Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano Bioreactor; giấy chứng nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật Bản hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Hồ sơ giới thiệu năng lực của Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật Bản và các nước khác. Đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và Hà Nội về tính chính xác, pháp lý đối với các hồ sơ cung cấp.

UBND TP.Hà Nội cũng chưa đồng ý cho triển khai dự án xử lý sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor mà giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản xử lý.

Khoảng đầu tháng 11/2019, đơn vị thực hiện thí điểm đã tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch nhưng vẫn duy trì khu thí điểm tại hồ Tây. Song song với việc tháo dỡ trên sông Tô Lịch, đơn vị đã chuyển cá Koi, cá chép trên sông sang thả tại khu thí điểm tại hồ Tây.

Các chuyên gia Nhật cho rằng, việc giữ lại khu thí điểm hồ Tây là để chứng minh việc sau khi xử lý chất lượng nước đã đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT khi không vận hành máy Nano nhưng nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm.

Ngoài ra, để người dân, đơn vị có nhu cầu xử lý ô nhiễm ao hồ có thể trực tiếp đến thị sát, thăm quan và đánh giá trực quan, so sánh sự khác nhau rõ rệt giữa chất lượng nước bên trong và bên ngoài khu thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản.

Màu nước bên trong khu xử lý và bên ngoài hồ không còn sự khác biệt khi những tấm tôn quây hoen rỉ.

Nước Hồ Tây cũng đang thấp khiến hệ thống máy sục khí Nano nổi lên trên mặt nước.

Khu thí điểm Hồ Tây hư hỏng, cá Koi trốn ra ngoài

Theo khảo sát của PV, sau 1 năm, khu thí điểm một góc Hồ Tây vẫn được duy trì, tuy nhiên, nó đang bị hư hỏng. Những tấm tôn quây đã hoen rỉ, bạt rách khiến nước bên trong khu xử lý và bên ngoài hồ thông với nhau. Màu nước bên trong và bên ngoài cũng không còn có sự khác biệt.

Việc bảo vệ cá và khu xử lý vẫn được duy trì hằng ngày bằng một bảo vệ trông coi và cho cá ăn. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát được lắp đặt xung quanh khu xử lý.

Một số cá Koi Nhật Bản đắt tiền và cá chép đã xổng ra ngoài.

Một bảo vệ của công ty JVE cho biết, khoảng 1 tháng trước, ông phát hiện một số tấm tôn bị hoen rỉ, thủng lỗ khiến một số con cá Koi to đã chui ra ngoài.

Về vấn đề này, đại diện JVE cho hay, do khu vực thử nghiệm ở Hồ Tây được quây bằng tôn nên theo thời gian (cụ thể là 1 năm) ngâm dưới nước, cùng với mưa to, gió lớn nên lớp tôn bị hỏng là chuyện không thể tránh khỏi.

Số còn lại chỉ là những con cá nhỏ, vẫn đang sinh trưởng tốt.

"Khu tường bằng tôn bao quanh bị rỉ sét kèm theo các lỗ hổng lớn, nên cá Koi và cá chép đã bị trôi ra ngoài một phần và bị giảm số lượng, số còn lại vẫn đang sống và sinh trưởng tốt trong khu thí điểm. Thời gian tới JVE sẽ cho gia cố lại và vận hành vừa để xử lý phần nước bị thông với bên ngoài, vừa để chuẩn bị cho mùa mưa bão đang tới”, đại diện JVE chia sẻ.

Thời gian tới, JVE sẽ cho sửa chữa và hoạt động trở lại khu thí điểm một góc hồ Tây bằng công nghệ của Nhật.

Đại diện JVE cho biết thêm, hiện ở hồ Tây vẫn duy trì công nghệ Nano-Bioreactor với 02 máy Nano và các tấm Bioreactor đặt chìm ở dưới lòng Hồ từ thời điểm ban đầu. Sau một thời gian nước đã được xử lý đạt QCVN thì không cần vận hành máy 24/24h như ban đầu nữa, mà chỉ cần vận hành 6/24h vào ban tối khi hàm lượng oxy hòa tan DO xuống thấp hoặc hoàn toàn không cần vận hành (0/24h) tùy vào tình trạng nước trong khu xử lý.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đoàn chuyên gia Nhật không thể nhập cảnh sang Việt Nam. Tuy nhiên, JVE và đoàn chuyên gia vẫn trao đổi thông tin qua các phương tiện trực tuyến do đó, việc vận hành và duy trì công nghệ không gặp khó khăn gì.

Triệu Quang
Theo Dân Việt //