Quảng Trị ghi nhân 9 trường hợp mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'

23-11-2020 15:58:39

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị chi biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, hay còn gọi là bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'.

Ngày 23/11, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai các kế hoạch, đánh giá thực tế, điều tra dịch tễ, đồng thời lên phương án phòng chống bệnh Whitmore (còn gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”) sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế về việc có 9 người dân quê Quảng Trị mắc bệnh.

Trong đó có 2 người tại huyện Triệu Phong, 3 người tại Hải Lăng, 1 người tại Hướng Hóa, 1 người tại Vĩnh Linh và 1 người tại TP Đông Hà. Các địa phương này bị ngập lụt, chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.

Ông Nguyễn Đức Nghiêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho hay, những năm trước bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” đã từng xuất hiện ở Quảng Trị, nhưng số lượng người mắc rất ít so với năm nay.

Người mắc bệnh Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Lao động

Trước đó, ngày 17/11, Bệnh viện Trung ương Huế đã phát đi thông cáo về việc ghi nhận sự xuất hiện và tăng đột biến bệnh nhân mắc Whitmore trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung. Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 28 ca bệnh. Số bệnh nhân mắc bệnh Whitmore tăng đáng kể so với thời gian trước.

Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy.. thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, sự tăng đột biến số lượng ca bệnh Whitmore trong thời gian gần đây tại các tỉnh miền Trung có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei.

Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và bề mặt nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da.

Hiện chưa có vaccine phòng tránh và điều trị bệnh Whitmore. Do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng.

Bên cạnh đó, cần trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc.

Ngoài ra, những người mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được điều trị ổn định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //