Phó TGĐ Trần Uyên Phương: Muốn vượt lên 'người khổng lồ', công nghệ và chất lượng phải cao hơn họ!
"Hiện sản phẩm của chúng tôi đã xuất đi nhiều thị trường, thậm chí, có những nơi chủ động liên hệ với Tân Hiệp Phát, như hôm trước chúng tôi vừa nhận được cuộc điện thoại từ Maldives chẳng hạn". Đó là những chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn"
PTGĐ Trần Uyên Phương chia sẻ về kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát khi vươn ra biển lớn tại Hội thảo.
Muốn trở thành hàng đầu châu Á, trước hết phải là công ty số 1 ở Việt Nam
Là một trong những khách mời tham gia phát biểu tại hội thảo, bà Trần Uyên Phương đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát trên con đường vươn ra biển lớn.
"Muốn trở thành công ty hàng đầu châu Á, trước hết chúng tôi phải là công ty số 1 ở Việt Nam và để giữ được vị trí dẫn đầu chúng tôi phải cải tiến, phải là những cánh chim đầu đàn, liên tục thay đổi để hoàn thiện bản thân mình không chỉ về mặt chất lượng sản phẩm mà cả về chất lượng toàn diện của dịch vụ, thỏa mãn cho người tiêu dùng... Trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực cải tiến các phương thức quản trị điều hành phù hợp với thực tiễn để tiếp tục phát triển.
Để quản trị tốt, doanh nghiệp gia đình cần kết hợp giữa chuyên nghiệp hóa với chủ nghĩa gia đình. Để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững cần thiết phải gia đình hóa doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa gia đình", bà Phương nói.
PTG Trần Phương Uyên cho biết, tại Tân Hiệp Phát, còn chú trọng xây dựng đội ngũ kế thừa. Những người ở cấp quản lý đều phải đào tạo, dẫn lối cho cấp dưới của mình. Người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt về mặt kiến thức, mà còn thể hiện vai trò truyền cảm hứng cho nhân viên.
Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát hiểu rằng, ở bất kỳ vị trí nào, người lãnh đạo chính là nắp của cái bình. Nếu như họ không tự cải tiến và phát triển mình, thì doanh nghiệp không thể bứt phá và đứng vững.
Ngoài ra, ở Tân Hiệp Phát đặc biệt quan tâm nhiều đến văn hóa doanh nghiệp là bởi chỉ có nguồn lực con người mới thẩm thấu được văn hóa và quản trị con người chính là quản trị sự thay đổi, bởi thực tế các nguồn lực khác không có khả năng phản kháng mà chỉ là những nhân tố đầu vào chịu sự quản trị của con người.
Doanh nhân Trần Uyên Phương cũng chia sẻ bí quyết để Tân Hiệp Phát đứng vững trên thị trường nội địa và đưa sản phẩm vươn xa ra quốc tế. Đó là xác định, chất lượng sản phẩm là quan trọng hàng đầu, tiêu chuẩn chất lượng được Tập đoàn đặt ra rất cao. Từ cách đây 10 năm, Tân Hiệp Phát đã tiếp cận và nghĩ đến việc đầu tư mua 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá 300 triệu USD của Tập đoàn GEA. Với 10 dây chuyền công nghệ này, chúng tôi mong muốn đem đến chất lượng vượt trội cho ngành nước giải khát Việt Nam, không cần đến chất bảo quản nhưng sản phẩm vẫn giữ được 12 tháng.
Đây là yếu tố cốt lõi khiến sản phẩm của Tập đoàn tự tin khi đi đến quốc gia nào cũng sẽ đạt tiêu chuẩn họ đề ra, dù đó có là thị trường khó tính như EU hay Mỹ. “Chúng tôi quan niệm, làm thế nào để sản phẩm tốt nhất ngay cả sản phẩm đầu tiên làm ra chứ không chỉ chờ vào thị trường nào đó thì mới nâng cấp chất lượng. Muốn cạnh tranh và vượt lên những “người khổng lồ” quốc tế, công nghệ và chất lượng sản phẩm của bạn phải cao hơn so với họ”.
Hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã xúc tiến triển khai các dự án đầu tư, xây dựng thêm ba nhà máy nước giải khát hiện đại tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang. Vừa qua, nhà máy thứ 4 là Number One Hậu Giang đã chính thức được khánh thành, hoàn thành chuỗi các nhà máy trên khắp mọi miền đất nước để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hiện thực hóa khát vọng vươn ra thế giới.
Tân Hiệp Phát không chỉ muốn dẫn đầu trong nước mà còn phải đưa sản phẩm Việt ra thế giới
Phó TGĐ Trần Phương Uyên tiết lộ, hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã xuất đi nhiều thị trường, thậm chí, có những nơi chủ động liên hệ với Tân Hiệp Phát. “Như hôm trước chúng tôi vừa nhận được cuộc điện thoại từ Maldives chẳng hạn”, bà nói.
Cũng theo cô gái tỷ đô này, đưa một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn xây dựng thương hiệu ở những thị trường các doanh nghiệp khác đã tồn tại sẵn rồi, chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó.
“Khi gia nhập thị trường mới, chúng tôi không chỉ mang sứ mệnh của Tân Hiệp Phát mà lớn hơn là sứ mệnh của những người tiên phong, đại diện cho một Việt Nam trẻ đầy năng động đóng góp cho người tiêu dùng một sự lựa chọn "made in Việt Nam", mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và tăng nhiệt cạnh tranh ở thị trường mục tiêu.
Chúng tôi quan niệm, làm thế nào để sản phẩm tốt nhất ngay cả sản phẩm đầu tiên làm ra chứ không chỉ chờ vào thị trường nào đó thì mới nâng cấp chất lượng. Với tinh thần “không gì là không thể” cùng với sứ mệnh duy nhất là muốn phục vụ người tiêu dùng, chúng tôi luôn ý thức “hôm nay tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.
Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn toàn cầu như hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, hệ thống Quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO14001:2015, hệ thống Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001 (ISO 45001), hệ thống Quản lý Vệ Sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP. Các sản phẩm không sử dụng chất bảo quản. Muốn cạnh tranh và vượt lên những “người khổng lồ” quốc tế, công nghệ và chất lượng sản phẩm của bạn phải cao hơn so với họ”.
Chất lượng sản phẩm của chúng tôi đạt những tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, không cần sử dụng chất bảo quản. Hiện nay, các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã đạt được chứng nhận FDA của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và chứng nhận Halal dành cho các quốc gia Hồi giáo”, PGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ.
Competing with Giants (tạm dịch sang tiếng Việt: Vượt lên người khổng lồ) là cuốn sách do Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát viết chính cùng hai tác giả khác. Nội dung cuốn sách là câu chuyện kỳ diệu của một công ty gia đình Việt Nam khởi nghiệp từ trong gian khó của thời kỳ hậu chiến tranh và kinh tế bao cấp đã vượt lên và cạnh tranh hiệu quả với các công ty đa quốc gia hùng mạnh. Từ chối lời đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với trị giá 2,5 tỷ USD từ một Công ty vào năm 2012 là một trong những câu chuyện ấn tượng được đề cập trong cuốn sách Compeing with Giants. Đây cũng là lần đầu tiên chi tiết về cuộc đàm phán này được tiết lộ cùng với những kinh nghiệm thực tế trong kinh doanh, cũng như cách làm thế nào để một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể sử dụng thế mạnh của mình để đạt được lợi thế cạnh tranh toàn cầu. |