Phục sát đất với độc chiêu của những bà vợ cao tay trị chồng ham chơi, vô trách nhiệm
Chuyện đàn ông có vợ con vẫn đi chơi như thời son rỗi, chẳng đoái hoài gì đến gia đình có lẽ không còn quá xa lạ.
Độc chiêu của những bà vợ trị chồng ham chơi, vô trách nhiệm. Ảnh minh họa
Chọn cách ly dị vì chồng mãi không chịu… trưởng thành
Ở Việt Nam, chuyện đàn ông có vợ con vẫn chơi tràn cung mây, chẳng đoái hoài gì đến gia đình phổ biến đến nỗi dần dần nó được cho là đặc quyền của cánh mày râu. Nhiều đức lang quân lạm dụng quá mức cái “quyền” đó mà không nhận ra rằng, dù giỏi nhẫn nhịn và giàu đức hy sinh, sức chịu đựng của phụ nữ cũng có giới hạn.
31 tuổi, Hằng luôn “khoe” mình có 2 con trai, đứa bé 5 tuổi, đứa lớn 36 tuổi. Một ngày, chị quyết định bỏ rơi “đứa lớn” vì “nó” không chịu trưởng thành, thích mãi là trẻ con để chơi cho sướng.
“Cậu bé” U40 mang danh chồng
Khi họ cưới nhau, Hằng 25 tuổi, còn Bính, chồng chị, đã 30. Dù biết Bính ham chơi, Hằng vẫn tin rằng anh đã ở tuổi tam thập nhi lập, lại có vợ có con thì sẽ sống khác. Do đó, sau đám cưới, dù anh vẫn chỉ thích chơi mà không thể hiện chút trách nhiệm gì với gia đình, Hằng vẫn tự an ủi rằng sự thay đổi nào cũng không đến trong một sớm một chiều.
Cứ hết giờ làm là Bính "tót" đi chơi, không bi-a thì cũng bia rượu, rồi karaoke hò hét cho đến khi "chân nam đá chân chiêu" về nhà, cái miệng nếu không nôn ọe thì cũng hát hò ầm ĩ. Có khi vui bạn, anh tếch thẳng lên Tây Bắc hay đi Hạ Long chơi mấy ngày mà quên béng việc báo tin cho vợ, cũng chẳng để tâm đến cái điện thoại đã hết pin hay ngoài vùng phủ sóng, báo hại Hằng cuống cuồng tìm hết bệnh viện nọ đến nhà thương kia. Chơi chán trở về, nghe vợ trách, anh phẩy tay: “Đi chơi chứ lo cái gì mà lo. Đúng là đàn bà, hơi tí đã cuống lên”.
Một thời gian sau thì sự vắng nhà biền biệt của Bính không làm Hằng cuống lên nữa, mà là cuồng lên vì tức. Vợ bị mặc kệ đã đành, ngay cả đứa con nhỏ cũng chẳng làm anh cảm thấy có thêm chút trách nhiệm. Về nhà, anh ôm con hôn chùn chụt, rồi nằm thẳng cẳng ra ngủ hoặc xem ti-vi, đang nằm mà con khóc là quát vợ ầm lên, bảo dỗ nó đi kẻo làm người ta điếc tai quá, đi thì thôi chứ về nhà mệt hết cả người. Con ị khi vợ đang bận túi bụi, thay vì thay tã cho con, anh lại nhăn nhó cáu kỉnh, cứ như anh là nạn nhân khốn khổ bị vợ con làm phiền vậy. Đêm, bị tiếng khóc của con làm thức giấc, Bính kêu ca rằng thật khó mà sống nổi trong cái nhà này, không biết rằng vợ phờ phạc vì chưa đêm nào ngủ tròn giấc.
Hằng không bao giờ nhờ chồng được bất cứ việc gì, từ pha cho con cốc sữa hay mang con đi khám. “Có mấy cái việc đó cũng phải cố tình bắt anh làm mới được à? Đừng có học đòi mấy mụ vợ hễ mình nấu cơm là bắt chồng rửa bát nhé”. Vợ phân tích lý lẽ thì anh xua nguầy nguậy: “Thôi thôi em nói lắm thế, đúng là đàn bà, chỉ có cằn nhằn là giỏi”.
Năm thứ 3 sau cưới, lần đầu tiên Hằng đề cập đến chuyện ly hôn, cũng là lần đầu tiên Bính chịu thừa nhận mình thiếu trách nhiệm và hứa sẽ sửa chữa. Nhưng quen thói ăn chơi, anh chỉ tử tế được vài bữa rồi đâu lại vào đấy. Mỗi khi vợ giận, anh lại xoa dịu: “Em không biết câu hát "The little child inside a man" à? Trong người đàn ông nào chả có một đứa trẻ”.
Nhưng cái câu đùa ấy chẳng làm Hằng cười nổi, bởi suốt mấy năm qua, cô phải một mình chèo chống gia đình, vừa kiệt sức vừa cô đơn, chẳng khác gì một bà mẹ đơn thân. Lại thêm nỗi lo về kinh tế ngày một lớn mà chồng thì mỗi tháng đưa vài triệu tiền ăn là hết nhiệm vụ.
Chán chường, Hằng thường bảo cô có 2 đứa con, đứa bé 5 tuổi, đứa lớn 36 tuổi. Và mới đây cô quyết định từ bỏ “đứa lớn” vì không kham nổi cái kẻ mãi mãi là “đứa trẻ to xác” ấy nữa.
Có rất nhiều ông chồng vô trách nhiệm khiến vợ chán nản. Ảnh minh họa
Độc chiêu trị chồng vô trách nhiệm
Cái thói vô trách nhiệm của những ông chồng như Bính thường được tạo ra trong gia đình mà người mẹ quá nuông chiều con trai, coi “nó” là trung tâm phục dịch của cả nhà. Lan Chinh, một người vợ có người chồng như vậy, đã nhận ra ngay điều đó bởi 2 vợ chồng cô sống chung với gia đình khi mới cưới.
“Ngay hôm đầu tiên, thấy mẹ dặn tôi đủ thứ rằng thằng Lân nó thích ăn cái này, ghét mặc cái kia. Rồi mẹ canh chừng từng bát mỳ tôi nấu cho chồng như sợ tôi đầu độc con bà, tôi đã nhận ra vấn đề. Anh lười chảy thây, đã chơi về khuya thì chớ, cái bát ăn xong cũng không thèm tự bưng ra bồn rửa, tôi nhắc thì mẹ chồng phẫn nộ kêu ầm lên là tội nghiệp thằng bé đã mệt còn bị vợ hành. Tôi không thể điều chỉnh chồng dù anh có tệ hại thế nào đi nữa, vì luôn có mẹ bênh chằm chặp”, Lan Chinh thở dài kể.
Chẳng những không đoái hoài gì đến vợ con, Lân còn lười cả việc cơ quan, nên bao nhiêu năm vẫn chỉ nhận đồng lương còm mà anh tiêu hết trong vài tuần, chẳng đưa cho vợ đồng nào. Lan Chinh kêu thì mẹ chồng nổi cáu bảo cô đã phải nuôi nó đâu mà to tiếng, nó hết tiền tiêu vặt thì tôi cho nó chứ cô có đưa đồng nào đâu, tôi cũng có bắt cô đóng tiền ăn đâu. Lan Chinh đành nín, dù muốn cãi rằng lẽ ra làm chồng thì phải đóng góp nuôi con chứ đâu phải không xin tiền vợ là đủ, rằng cô cũng đâu có ăn bám mẹ chồng, vì cô không đưa tiền nhưng ngày nào cũng đi chợ, tiền điện, gas cũng cô thanh toán…
Một ngày, Lan Chinh quyết, có chồng như không thế này thì bỏ quách cho khỏe. Nhưng khi thấy Lân vật nài xin một cơ hội, cô lại nghĩ, nên cố thêm một lần trước khi buông tay, nên kiên quyết dọn ra ngoài, tuyên bố ly thân để làm bước đệm cho ly dị. Đúng như cô nghĩ, thuyết phục vợ quay về không được, Lân khăn gói đến nhà vợ thuê “ăn vạ”, đuổi cũng không đi.
Đến lúc này, Lan Chinh mới đưa ra tối hậu thư: “Nếu anh muốn chúng mình tiếp tục thì từ giờ phải hết chơi bời, chia sẻ trách nhiệm về gia đình, con cái”. Lân gật lia lịa, nhưng vợ anh nói tiếp: “Anh sẽ không thể thay đổi chừng nào còn sống với bố mẹ, vì hễ em góp ý là mẹ lại bênh, nên chúng mình sẽ ở riêng. Đó là điều kiện bắt buộc của em”.
Từ ngày sống riêng, bị vợ rèn, Lân chỉ dám đàn đúm đúng “hạn mức”, còn thì về chơi với con, hoặc giúp vợ. Nhưng với Lan Chinh, làm chồng, làm bố như thế chưa đủ, bởi đồng tiền cô kiếm không đủ nuôi cả gia đình, đừng nói đến mua nhà. Cô khuyến khích chồng chăm chỉ, phấn đấu trong công việc, nhưng quen thói lười, anh vẫn ừ hữ cho qua chuyện.
“Tôi nghĩ ra một cách. Tôi cố tình nấu ăn thật đạm bạc. Anh kêu thì tôi nói, vật giá leo thang, em chỉ đủ tiền mua thức ăn cho con. Mọi thứ trong nhà đều kham khổ hết mức, đến bột giặt hay dầu gội tôi cũng mua loại rẻ nhất, dùng hôi xì. Anh bèn khắc phục bằng cách khuân thức ăn và đồ dùng từ nhà mẹ sang. Tôi chặn ngay, bảo nếu anh thích sống sung sướng bằng cách ăn bám thì cứ về nhà mẹ mà ở, đừng bao giờ về đây nữa, em không chịu nổi cái nhục mình lớn rồi vẫn phải dựa dẫm bố mẹ cả đến miếng ăn hay cuộn giấy vệ sinh”, Lan Chinh kể.
Bị dồn đến đường cùng, bị xúc phạm, tự ái ghê gớm nhưng vẫn sợ mất vợ, Lân đành cố gắng làm việc có trách nhiệm để ít nhất đóng góp được một nửa chi tiêu như vợ yêu cầu. “Giờ thì anh ấy kiếm tiền gấp ba lần tôi rồi”, Lan Chinh khoe. “Chuyện mua nhà vẫn quá xa vời nhưng với tôi, chồng trở thành người đàn ông có trách nhiệm là thành công lớn nhất. Nếu vẫn ở chung với mẹ chồng thì chắc là tôi đã ly hôn chứ không cải tạo được anh ấy”.
Bản thân Lân nhìn lại thời trước cũng thấy không chấp nhận được mình. Chồng Lan Chinh nói: “Trước đây tôi cứ nghĩ đàn ông ham chơi là chuyện thường, nhưng giờ nhận ra rằng, một mình thì sao cũng được, chứ đã có vợ con thì phải sống trách nhiệm, nếu vẫn chỉ muốn thỏa mãn bản thân thôi thì đừng lập gia đình làm gì, vì chưa đủ tư cách làm chồng, làm cha”