Phú Thọ: Xôn xao clip công an xã 'cấm cửa' máy gặt ở địa phương khác xuống đồng

30-09-2018 17:11:34

Máy gặt từ địa phương khác đến xã Cao Mại để gặt lúa cho người dân đã bị công an xã này chặn lại. Clip được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao.

Công an xã Cao Mai cản trở máy gặt xuống đồng gặt lúa. Ảnh cắt từ clip.

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại cảnh Công an xã Cao Mại (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) ra đồng cản trở người dân không được mang máy gặt lúa xuống ruộng để gặt lúa cho người dân khi chưa đăng ký qua xã đã gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, Facebook H.T.M.H. chia sẻ: “Công an xã Cao Mại thị trấn Lâm Thao tỉnh Phú Thọ ra đồng cấm máy gặt nhà em gặt lúa cho người dân. Năm 2013 gia đình em được huyện đưa đi mua máy về gặt lúa phục vụ nông nghiệp trên địa bàn. 5, 6 năm nay gia đình em không phải làm hợp đồng với ai cả, ai thuê thì bố mẹ em gặt cho người đó.

Nay cán bộ xã Cao Mại (thuộc thị trấn Lâm Thao) đưa máy từ tỉnh khác về, rồi yêu cầu gia đình em làm hợp đồng, sau đó ra đồng đòi cưỡng chế, khênh máy nhà em về ủy ban xã, chặn đường không cho gia đình em gặt lúa. 

Đáng nói, cán bộ xã còn nói máy nhà em đi làm hỏng đường bê tông. Tuy nhiên, máy gặt nhà em bằng xích cao su dẻo chứ không phải xe tăng nên không thể hỏng đường, không có luật giao thông nào cấm máy gặt lưu thông trên đường. Không những vậy, cán bộ xã còn cấm người dân không được gặt máy của nhà em…”.

Câu chuyện trên sau khi chia sẻ lên mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự theo dõi của dư luận. Ai cũng tỏ ra bức xúc trước việc làm của cán bộ xã ngăn cản không cho người dân xuống gặt lúa. Nhiều ý kiến cho rằng, công an xã đang có dấu hiệu "bảo kê" máy gặt tại địa phương.

Trước sự việc trên, chiều 30/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Đồng – Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao cho biết, UBND thị trấn đã nắm bắt được sự việc đăng tải trên mạng xã hội và xác nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, đây không phải là bảo kê hay có mục đích lợi ích nhóm.

Theo ông Đồng, 4 -5 năm nay UBND thị trấn có quy định những máy gặt không phải trên địa bàn thị trấn khi về gặt cho bà con nhân dân thị trấn phải vào làm việc, thông báo và làm cam kết với địa phương không được làm vỡ bờ mương khi tiến hành gặt lúa nếu làm vỡ phải xây lại.

Ngoài ra, khi gặt cho bà con thì những ruộng xấu, lầy lội cũng phải gặt chứ không bỏ. Trước đây, có máy gặt không gặt những ruộng xấu, kênh mương bị vỡ 400-500m nhưng không ai chịu trách nhiệm nên UBND thị trấn mới phải áp dụng quy định trên.

“Còn máy gặt đưa trên clip là máy gặt không phải địa bàn của thị trấn chúng tôi, không chấp hành theo quy định của địa phương. Trước kia ruộng xấu là người ta bỏ, dân bơ vơ không biết nhờ ai gặt. Máy gặt như đã đăng tải trên MXH không chấp hành theo quy định của địa phương nên đã bị cơ quan chức năng giữ lại”, ông Đồng khẳng định.

Ngoài ra, ông Đồng cũng cho biết thêm, UBND thị trấn có cử một lực lượng công an thường trực giúp cho địa phương, ban chỉ đạo sản xuất giám sát việc chấp hành của các đơn vị cá nhân có máy gặt  theo quy định của địa phương.

“Người dân cho rằng, công an địa phương ra cản trở, bảo vệ lợi ích nhóm, điều đó là không đúng. Những người đang nói, chửi trên clip là đội thợ máy ở địa phương khác chứ không phải người dân của thị trấn. Người dân thị trấn Lâm Thao rất chấp hành theo quy định địa phương, họ biết quy định trên của chúng tôi”, ông Đồng nói.

Hiện tại chủ máy giặt bị chính quyền xã Cao Mại cản trở không cho xuống đồng vẫn chưa lên tiếng về sự việc trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //