Phụ huynh bức xúc: Chưa hết lễ 2/9 phải lo con đến trường tập dượt khai giảng vì 'có đại biểu quan trọng'
Ngày 5/9, cả nước chính thức tổ chức lễ khai giảng đón năm học mới 2023-2024. Tuy nhiên, rất nhiều trường đã yêu cầu 100% học sinh đi tập dượt vào ngày 4/9.
Học sinh phải tham gia tập dượt lễ khai giảng
Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, ngày 5/9, học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2023-2024 với sự kiện quan trọng là tổ chức lễ khai giảng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết dường như ngày khai giảng bây giờ chỉ thực sự mang lại niềm vui, háo hức cho.... giáo viên và nhà trường.
Chị Lê Phương Hoa, phụ huynh có 2 con học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: "Ngày 2/9, cả nhà đang ở quê trong kỳ nghỉ lễ 2/9 thì tôi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm là 7h sáng ngày 4/9, tất cả học sinh đều phải đến trường tham dự buổi tổng duyệt khai giảng. Đọc xong tin nhắn mà tôi tự dưng thấy hụt hẫng".
Chị Hoa lý giải, do chị phải làm thứ 7 nên phải làm hết ngày 1/9 mới được nghỉ. Gia đình hành quân trong đêm vượt gần 200km để về quê chơi với ông bà, họ hàng và dự kiến ngày 4/9 mới quay lại Hà Nội. Theo lịch của nhà trường, gia đình chị Hoa chỉ ở quê đúng ngày 2/9 và ngày mùng 3 phải xếp hành lý lên đường ra để kịp cho con đi tổng duyệt vì có... đại biểu quan trọng.
Phụ huynh chưa được nghỉ hết lễ đã phải lo cho con đến trường tổng duyệt khai giảng. Ảnh: PHCC
"Ngày xưa chúng tôi đến ngày là đến trường đi khai giảng. Bao háo hức, tươi vui gặp lại bạn, thầy cô lớp học đổ dồn về ngày đầu tiên này. Tại sao bây giờ học sinh đi học sớm 1 tháng rồi lại còn phải lên trường sớm để tổng duyệt 1 ngày để làm gì. Nếu có đại biểu quan trọng thì các thầy cô cứ tự sắp xếp, tại sao bắt tất cả học sinh đến trường.
Cùng chung suy nghĩ, anh Nguyễn Minh Quân, phụ huynh quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho hay: "Tự dưng các thầy cô làm mất đi ngày 2/9 ý nghĩa. Trước khi nghỉ lễ, các cô dặn 4/9 lên trường tổng duyệt. Đang nghỉ lễ các cô nhắn tin bắt 100% học sinh đến trường tổng duyệt 2-3 tiếng xong rồi phụ huynh phải đón về. Tổng duyệt mang lại lợi ích cho học sinh hay cho nhà trường? Tôi thấy các thầy cô chỉ muốn làm hình ảnh đẹp, chỉn chu mà không hiểu đến việc gây khó cho phụ huynh. Tôi nghĩ các thầy cô chỉ nên ghi các con thu xếp đến trường tham gia tổng duyệt thay vì yêu cầu 100% học sinh phải có mặt. Không phải ai cũng sắp xếp được khi các gia đình vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ".
Lễ khai giảng nên linh hoạt
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhà văn Bùi Ngọc Phúc cho hay: "Mùng 5 là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đây là thời điểm thiêng liêng và ghi đậm trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp. Tuy nhiên do muốn lễ khai giảng được hoành tráng, hầu hết các trường đều bắt học sinh phải tập trung trước để tập dượt. Thậm chí nhiều học sinh tham gia các tiết mục văn nghệ chào mừng phải mất tới vài ngày. Sự phô trương nhiều khi khiến các con mệt mỏi, phụ huynh phản đối, bởi lễ khai giảng năm học mới nên theo hướng thực hành tiết kiệm và gọn nhẹ.
Chúng ta luôn kêu gọi đổi mới trong phương thức dạy và học. Nên chăng lễ khai giảng bắt đầu cho năm học mới hãy tiên phong tổ chức sao cho gọn nhẹ và không cần huy động các con đến tổng duyệt. Việc này cần sự quyết đoán của Ban Giám hiệu và tiếng nói của Ban Phụ huynh.
Theo nhà văn Bùi Ngọc Phúc, trong thời tiết oi nóng như hiện nay và các năm, lễ khai giảng nên tổ chức gọn nhẹ. Những nghi thức chào cờ và đọc thư của Chủ tịch nước là đương nhiên. Sau đó là một vài tiết mục văn nghệ rồi đến những lời dặn dò của thầy cô hiệu trưởng. Tất cả nên gói gọn trong 90 phút.
Thầy Nguyễn Duy Khánh, một giáo viên dạy Sinh học ở Hà Nội cho hay: "Nhiều trường hiện nay tổ chức cho học sinh tập dượt cho lễ khai giảng suốt mấy ngày cuối tháng 8. Có trường đến 31/8 vẫn phải tập xong lại thông báo 4/9 học sinh lên trường tập dượt tiếp. Vấn đề này trường nào, năm nào cũng có. Cả trường tập nghi thức đón đại biểu, chào cờ và tổng duyệt văn nghệ cho khớp.
"Phần chuẩn bị cho nghi thức tùy mỗi trường nhưng thường đều có phần Tổng duyệt trước. Trường nào có những lãnh đạo cấp cao hay được làm trường điểm để đài truyền hình, báo chí về đưa tin thì thường sẽ có sự chuẩn bị kéo dài hơn", thầy Khánh nói.
Mặc dù còn mang tính "hình thức", tuy nhiên, thầy Khánh cũng cho rằng tổ chức lễ khai giảng ngày nay cũng đã gói gọn hơn nhiều. Thông thường lễ khai giảng có 2 phần. Phần Lễ những năm gần đây đã rút gọn đi rất nhiều. Phần Hội là tổ chức các trò chơi như kéo co, nhảy bao bố, đi xe đạp chậm,… nên học sinh cũng rất háo hức. Nhất là phần ra mắt giáo viên chủ nhiệm và lớp đầu cấp mới (lớp 1, lớp 6) và các tiếp mục văn nghệ biểu diễn. Một số trường thay vì thả bóng bay như trước thì nay chuyển sang thả chim Bồ câu.
Còn với thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội nêu quan điểm: "Việc yêu cầu 100% học sinh lên trường tham gia tổng duyệt ngày 4/9 là cách xử lý cứng nhắc. Mọi nội dung đều có thể tổng duyệt trước khi cho học sinh nghỉ lễ 2/9. Ngày khai giảng các trường nên làm nhẹ nhàng theo chủ trương của Bộ GDĐT".