Ông bố "địu con nhặt rác mưu sinh": Phá hết tài sản rồi đẩy bố nuôi già yếu và 3 con nhỏ ra đường ăn xin
Ông bố địu con nhặt rác khắp các tuyến phố ở Hà Nội để mưu sinh khiến cộng đồng mạng dậy sóng những ngày qua có một quá khứ bất hảo, trộm cắp và nghiện ma túy.
Bán nhà để trả nợ cho con nuôi
Những ngày qua, cư dân mạng không khỏi xôn xao khi Đào Đức Khiêm - ông bố địu con nhặt rác mưu sinh ở Hà Nội thực chất chỉ là một tay nghiện hút chuyên lừa phỉnh lòng tốt của thiên hạ. Suốt một thời gian dài, Đào Đức Khiêm từng “nổ” là một đại gia bất động sản, tiêu xài tiền tỷ và đi xe hơi hạng sang nhưng vì tin người mà lâm vào hoàn cảnh khốn khó, cuối cùng đành phải đi nhặt rác để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ.
Ông bố địu con đi lừa đảo chỉ học đến lớp 8 và chưa biết hết chữ
Trước sự việc trên, Khiêm đã bị cư dân mạng bóc “phốt” và mới đây nhất, PV Đời Sống Plus đã thâm nhập trực tiếp vào “đại bản doanh” nơi 4 bố con sinh sống nhằm vạch trần bộ mặt lừa đảo của ông bố này. Để tiếp tục tìm hiểu rõ hơn lý do vì sao một người bố lại nhẫn tâm mang con mình làm "bình phong" lừa đảo, PV đã gặp gỡ những người thân của Khiêm và biết thêm nhiều được sự thật tồi tệ khác.
Theo đó, khi tìm về tổ 25 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) để tìm hỏi người thân của ông bố nuôi 3 con nhỏ, PV được người dân chỉ vào nhà ông Đào Hồng P. (em trai của bố Khiêm). Cũng kể từ đây, câu chuyện về quá khứ bất hảo của Khiêm dần được hé lộ với nhiều bất ngờ mới.
Theo lời kể của ông P., anh trai ông là ông Đào Đức Nhuận (SN 1940, bố của Đào Đức Khiêm) trước đây từng làm công nhân in tại báo Nhân Dân. Sau khi đi học thêm một lớp về văn học, ông Nhuận được cấp thẻ và chính thức trở thành phóng viên của báo Nhân Dân với bút danh Nhị Hà.
Trong quá trình công tác làm báo, ông Nhuận chuyển sang làm việc tại báo Lao Động và kết hôn với bà Lê Thị Biên (SN 1946). Tuy nhiên, hai vợ chồng ông không may mắn về đường con cái khi bà Biên 2 lần mang thai nhưng cuối cùng đều không thể làm mẹ do căn bệnh ung thư buồng trứng quái ác.
Con ngõ đi vào nhà người thân của ông bố địu con nhặt rác mưu sinh
Mong muốn có một đứa con, đến năm 1990, hai vợ chồng ông Nhuận xin nhận nuôi một đứa trẻ mới được 15 ngày tuổi và đặt tên là Đào Đức Khiêm. Dù không phải máu mủ ruột rà nhưng vợ chồng ông Nhuận vẫn hết lòng chăm sóc, dành hết tình yêu thương cho đứa con nuôi này.
Tuy nhiên, cây đắng đã không sinh ra trái ngọt khi từ nhỏ, Khiêm đã tỏ ra là một đứa trẻ nghịch ngợm và không chịu nghe lời. Được bố mẹ nuôi cho ăn học như bao bạn bè cùng trang lứa song dù học đến lớp 8, Khiêm vẫn chưa biết hết các mặt chữ.
Học hành kém cỏi, lười biếng nên Khiêm quyết định nghỉ học giữa chừng và xin bố mẹ đi làm thêm. Dẫu vậy, bản chất ham chơi nên Khiêm không gắn bó được với công việc tử tế nào lâu dài mà nhanh chóng sa ngã vào các cuộc vui chơi phù phiếm.
Ông P. cho biết Khiêm từng cắm sổ lương của bố nuôi, đẩy ông cụ và các con vào cảnh ăn xin ở chợ Đồng Xuân
Sau một thời gian lang thang ngoài xã hội, Khiêm mang nhiều món nợ đổ lên đầu bố mẹ nuôi. Thương con, hai vợ chồng ông Nhuận đã phải mang những đồng tiền tích cóp, rồi vay mượn anh em hàng xóm và bạn bè khắp nơi để có tiền trả nợ cho Khiêm.
Chạy vạy hết cách mà không đủ tiền trả nợ, cuối cùng ông bà đành bán đi căn nhà đang ở mới tạm xoay đủ tiền trả nợ cho đứa con nuôi bất hiếu này. “Bà Biên có ngăn cản nhiều lần nhưng ông Nhuận không nghe, vẫn dung túng cho đứa con trai hư hỏng này nên 2 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn”, ông P. cho biết.
Cũng theo ông P., sau khi bán nhà và trả khoản nợ khoảng 200 triệu đồng cho Khiêm, ông Nhuận định dùng số tiền còn lại mua một căn nhà nhỏ khác lấy chỗ trú nắng mưa. Nhưng rồi, khoản tiền cuối cùng đó cũng không cánh mà bay sau những lời dụ dỗ ngon ngọt của Khiêm.
Bố chết không về hương khói
Sau khi bán nhà và phân chia tài sản với chồng cũ, bà Biên về Vĩnh Tường sinh sống. Trong khi đó, ông Nhuận vẫn quyết định đi theo đứa con nuôi mà suốt đời mình đã yêu thương, bao bọc. Một thời gian sau, Khiêm lập gia đình với một cô gái tên Huyền và sinh được 3 đứa con nhỏ.
Ông bố địu con nhặt rác bị bóc phốt liên tục
Số tiền còn lại sau khi bán nhà trả nợ của ông Nhuận bị Khiêm ăn xài hết, ông Nhuận và vợ chồng, con cái của Khiêm đành dắt díu nhau sang thuê nhà ở gần chợ Long Biên rồi đi xin ăn qua ngày. Tuổi già của ông Nhuận gắn liền với hình ảnh một ông lão già yếu dẫn theo các cháu nhỏ lang thang khắp phố phường Hà Nội để xin ăn.
Cuộc sống dù vất vả, thiếu thốn nhưng ông Nhuận vẫn nhất quyết không chịu về ở với các em dù mọi người khuyên nhủ nhiều lần. “Thương anh nhưng tôi không thể làm gì, chỉ biết nén nỗi đau lại nhìn anh chịu đói, chịu rét lang thang theo đứa con hư hỏng. Anh tôi có lương hưu mà nó nói nó phải nuôi ông cụ, tôi tức lắm nhưng không làm gì được” - ông P. uất ức cho biết.
Đến tháng 6/2016, ông Nhuận ốm nặng rồi qua đời. Đau lòng hơn, đến khi tìm sổ lương hưu của ông Nhuận để làm chế độ thì mọi người trong gia đình mới tá hỏa biết được, cuốn sổ lương cả đời ông phấn đấu đã bị Khiêm đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài, rồi đẩy bố nuôi và 3 đứa con đi xin ăn.
Mới đây nhất, ông bố địu con nhặt rác tiếp tục khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" khi dùng dây lưng đánh con dã man
“Ngày bố mất, nó về đưa ma được lúc rồi đi. Cúng 3 ngày, 50 ngày rồi đến 100 ngày cho bố nó, tôi gọi điện thông báo để nó về hương khói cho ông cụ mà cũng không thấy mặt mũi Khiêm đâu”, vừa nhìn lên di ảnh của người anh đã mất, ông P. vừa nghẹn nào kể lại.
Khi PV hỏi về quá khứ ở nhà lầu xe hơi của Khiêm, ông P. bật cười đầy chua chát rồi nói: “Nhà lầu xe hơi ở đâu ra? Một đồng trong túi cũng chẳng có. Chỉ có cái thời gian bán nhà có chút tiền thì nó thuê xe đi thôi”. Nói xong, ông P. thở dài rồi kể tiếp: “Học đến lớp 8 mới biết ký tên của mình mà lại có thể lên mạng xã hội ba hoa bản thân là một đại gia, có nhà lầu xe hơi tiền tỷ thì thật ảo tưởng”.
Tiếp mạch câu chuyện, bà Đào Thị H. - em gái ông Nhuận ấm ức nói: “Anh chị tôi nuôi nấng, yêu thương, chăm sóc Khiêm hết mình mà nó lại nhẫn tâm với vợ bố mẹ nuôi như vậy. Bây giờ, bên gia đình tôi đã chính thức chẳng còn quan hệ gì với nó nữa”.
Éo le thay khi là một nhà báo nhiều năm làm nghề, tiếp xúc với bao mảnh đời bất hạnh nhưng đến khi rơi hoàn cảnh trái ngang của mình thì ông Nhuận lại nhắm mắt chấp nhận. Để rồi, những ngày cuối đời của ông không thể có lúc nào thảnh thơi khi đứa con trai ông nuôi nấng, cưu mang từ tấm bé đến khi trưởng thành lại vong ơn bội nghĩa, không trọn chữ hiếu.